.
.
.

So sánh là gì? Cấu tạo, phân loại và ví dụ về phép so sánh

So sánh là một biện pháp tu từ rất phổ biến trong tiếng Việt. So sánh không chỉ được dùng trong cách hành văn mà còn được áp dụng trong giao tiếp hằng ngày. Vậy so sánh là gì? So sánh có tác dụng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về phép so sánh qua bài viết sau.

So sánh là gì?

Trong tiếng Việt, so sánh là một trong các biện pháp tu từ phổ biến nhất, bên cạnh phép nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ… Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 có đưa ra định nghĩa so sánh là biện pháp dùng để đối chiếu hai sự vật, hiện tượng… với nhau. Trong đó các sự vật, hiện tượng này mặc dù khác nhau về tính chất nhưng lại có nét tương đồng ở cùng một khía cạnh nào đấy. 

Dân gian thường lưu truyền một số cách nói như: Tối như mực, Đen như gỗ mun, Nhát như thỏ đế, Chậm như sên… Đây chính là những ví dụ thực tế nhất của phép so sánh.

So sánh là gì?

Tác dụng của việc so sánh

Sau khi đã hiểu được so sánh là gì, ta sẽ tìm hiểu tác dụng của việc so sánh. Phép so sánh có rất nhiều tác dụng trong câu. Trước hết, so sánh làm tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt. Thay vì miêu tả sự vật, sự việc,… một cách thông thường, ta có thể dùng cách nói so sánh để làm cho câu văn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Tác dụng của việc so sánh

Ngoài ra, so sánh còn có tác dụng nhấn mạnh, làm nổi bật ý cần diễn đạt, từ đó làm cho người đọc hoặc người nghe tập trung vào câu văn, lời nói của mình hơn. Bên cạnh đó, so sánh cũng nêu bật lên một đặc điểm, khía cạnh bất kỳ của sự vật, hiện tượng… 

Bản chất của so sánh chính là đối chiếu 2 đối tượng có nét tương đồng với nhau. Do đó, phép so sánh sẽ giúp cho người nghe hoặc người đọc dễ dàng liên tưởng và hình dung ra các sự việc, sự vật, từ đó dễ nắm bắt và hiểu được ý nghĩa của câu văn. 

Cấu tạo của câu so sánh

So sánh có thể được xem là biện pháp tu từ đơn giản nhất. Do đó, cấu tạo của phép so sánh cũng rất đơn giản. Một câu văn so sánh sẽ bao gồm các thành phần sau đây:

  • Vế 1: Nêu tên của người hoặc sự vật, hiện tượng… được so sánh
  • Vế 2: Nêu tên của đối tượng dùng để so sánh với sự vật, hiện tượng… ở vế 1
  • Từ so sánh
  • Từ (hoặc cụm từ) dùng để chỉ phương diện so sánh

Cấu tạo của câu so sánh

Ví dụ: Trong câu “Mặt xanh như tàu lá”. Vế 1 là “mặt”, vế 2 là “tàu lá”, từ so sánh là “như”, từ dùng để chỉ phương diện so sánh là “xanh”.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt trong câu so sánh. Người viết hoặc người nói có thể lược bỏ bớt vế 1, từ dùng để chỉ phương diện so sánh, hoặc đảo vị trí của vế 1 và vế 2.

Ví dụ:

  • Câu “Đỏ như gấc”: Lược bỏ vế 1
  • Câu “Trẻ em như búp trên cành”: Lược bỏ từ dùng để chỉ phương diện so sánh
  • Câu “Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng / Hồn tôi vang tiếng vọng của hai miền”: Đảo từ so sánh, vế 2 lên vị trí ở đầu câu

Dấu hiệu nhận biết phép so sánh trong câu

Vậy là các bạn đã hiểu được so sánh là gì và tác dụng, cấu tạo của phép so sánh. Tiếp đến, chúng ta cần nắm được các dấu hiệu nhận biết phép so sánh trong câu:

  • Trong câu văn hoặc lời nói có xuất hiện từ so sánh. Các từ so sánh thường gặp là: “như”, “giống như”, “là”, “ví như”…

Ví dụ: Câu “Quê hương là chùm khế ngọt” có sử dụng từ so sánh “là”.

  • Dựa vào nội dung, ý nghĩa diễn đạt trong một câu. Nếu trong câu văn có đối tượng, so sánh nét tương đồng của 2 sự vật, hiện tượng, đối tượng… bất kỳ thì đó chính là biện pháp so sánh.

Dấu hiệu nhận biết phép so sánh trong câu

Phân loại các kiểu so sánh trong câu và ví dụ cụ thể

So sánh nhất

Khác với tiếng Anh, phép so sánh trong tiếng Việt thường chỉ có kiểu so sánh ngang bằng và so sánh hơn – kém. Vì bản chất của so sánh chính là đối chiếu điểm chung, sự tương đồng giữa hai sự vật, hiện tượng… với nhau, do đó sẽ không có phép so sánh nhất.

So sánh hơn

Ở kiểu so sánh hơn, sự vật, hiện tượng ở vế 1 có một đặc điểm, khía cạnh nào đó vượt trội hơn hẳn so với sự vật, hiện tượng ở vế 2. Cách so sánh này sẽ góp phần làm nổi bật và nhấn mạnh những đặc điểm của đối tượng được đối chiếu. Một số từ ngữ thường xuất hiện trong câu so sánh hơn là: “hơn”, “hơn hẳn”, “nhiều hơn”, “lớn hơn”…

Ví dụ:

  • “Bóng bác cao lồng lộng 

Ấm hơn ngọn lửa hồng”

  • Tiết trời mùa thu mát lạnh hơn mùa hạ
  • Con đường này khúc khuỷu, quanh co hơn con đường làng 

Phân loại các kiểu so sánh trong câu và ví dụ cụ thể

 

So sánh kém

Đối lập với kiểu so sánh hơn là kiểu so sánh kém. Ở phép so sánh này, các sự vật, hiện tượng ở vế 2 có đặc điểm vượt trội hơn đối tượng được so sánh ở vế 1. Kiểu so sánh kém giúp nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của sự vật, sự việc, con người… dùng để so sánh trong vế 2. Bạn có thể nhận biết được phép so sánh này thông qua các từ ngữ như: “kém”, “kém hơn”, “chẳng bằng”, “không bằng”…

Ví dụ:

  • Những hạt ngọc cũng không long lanh bằng những giọt sương sớm đọng lại trên lá
  • “Những ngôi sao thức ngoài kia 

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”

So sánh sự vật hiện tượng

Với kiểu so sánh này, ta có thể đối chiếu các đặc điểm, trạng thái, hay tính chất… của các sự vật, hiện tượng bất kỳ với nhau, miễn là chúng có nét tương đồng. Sau đây là một số ví dụ về kiểu so sánh sự vật hiện tượng:

  • “Cày đồng đang buổi ban trưa 

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”

  • Trời bỗng đổ mưa như trút nước
  • “Mùa đông 

Trời là cái tủ ướp lạnh 

Mùa hè 

Trời là cái bếp lò nung”

Phân loại các kiểu so sánh trong câu và ví dụ cụ thể

So sánh sự vật với sự vật

Đây là kiểu so sánh ta thường xuyên bắt gặp trong sách vở cũng như trong giao tiếp hằng ngày. So sánh sự vật với sự vật có phạm vi khá rộng, được dựa trên các đặc điểm, đặc trưng, khía cạnh của những sự vật có nét tương đồng với nhau.

Ví dụ: 

  • Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ
  • Tấm vải này mượt như nhung

So sánh sự vật với sự vật dựa trên những nét tương đồng về đặc điểm, tính chất… của sự vật

So sánh sự vật với con người

Đây là một kiểu so sánh khá độc đáo. Với phép so sánh này, ta sẽ dựa trên nét tương đồng, điểm chung về tính cách, phẩm chất, hay một khía cạnh nào đó ở con người để đối chiếu với đặc điểm, tính chất của sự vật. Phép so sánh này không chỉ giúp cho câu văn trở nên sinh động hơn, mà còn nhấn mạnh, làm nổi bật phẩm chất, tính cách… của một người.

Ví dụ: 

  • “Anh em như thể tay chân 

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

  • “Thân em như tấm lụa đào 

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

  • Cậu ta nhát như thỏ đế
  • “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

So sánh sự vật với con người

Các bài tập về phép so sánh có đáp án

Bài tập 1: Điền tiếp vào chỗ trống để hoàn thành một câu so sánh:

  • Đẹp như …
  • Vui như …
  • Nhanh như …
  • Đỏ như …
  • Ướt như …
  • Khỏe như …
  • Trắng như …
  • Yếu như …
  • Hiền như …
  • Ngọt như …

Đáp án: Đẹp như hoa, Vui như Tết, Nhanh như sóc, Đỏ như son, Ướt như chuột lột, Khỏe như voi, Trắng như tuyết, Yếu như sên, Hiền như bụt, Ngọt như mía lùi.

Bài tập 2: Chọn từ trong ngoặc đơn để hoàn thành các câu sau:

  • Những chùm hoa phượng vĩ nở đỏ rực như những … (ngọn lửa/bông hoa/ngôi sao)
  • Dòng sông uốn lượn như một … (chiếc áo/con đường/dải lụa)

Đáp án: Ngọn lửa, dải lụa.

  • Bài tập 3: Đặt 3 câu có sử dụng biện pháp tu từ so sánh.

Đáp án: 

  • Ông của em hiền như bụt
  • Cô giáo như người mẹ thứ 2 của em
  • Khuôn mặt anh ấy nhợt nhạt, xanh như tàu lá

Các bài tập về phép so sánh có đáp án

Bài tập 4: Trong các câu sau đây, câu nào có sử dụng phép so sánh?

  1. Bạn Hoài học giỏi nhất lớp
  2. Chị tôi đang học bài
  3. Hùng khỏe hơn Minh
  4. Mùa hè, hoa phượng nở đỏ rực trên khắp các con đường

Đáp án: C. Hùng khỏe hơn Minh

Bài tập 5: Chỉ ra từ so sánh trong các câu dưới đây:

a/ Trăng khuya sáng hơn đèn

b/ Chị giống như người bạn thứ 2 của em

c/ Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời

d/ Ông là buổi trời chiều 

Cháu là ngày rạng sáng 

Đáp án: a/ hơn; b/ giống như; c/ là; d/ là.

Bài tập 6: Tìm các sự vật được so sánh với nhau trong câu thơ sau:

a/ Thân dừa bạc phếch tháng năm 

Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao 

Đêm hè, hoa nở cùng sao 

Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh

 

b/ Nước Vân Đình vừa trong vừa mát 

Đường Vân Đình giống tựa bàn cờ 

Đẹp hơn phường phố kinh đô 

Đẹp như một bức họa đồ trong tranh 

 

c/ Đường vô xứ Huế quanh quanh 

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

 

d/ Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Đáp án:

a/ Quả dừa được so sánh với đàn lợn con. Tàu dừa được so sánh với chiếc lược.

b/ Đường Vân Đình được so sánh với bàn cờ, phường phố kinh đô, bức họa đồ.

c/ Non xanh nước biếc được so sánh với tranh họa đồ.

d/ Quê hương được so sánh với con diều biếc, con đò nhỏ.

Xem thêm:

Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã hiểu được so sánh là gì, cũng như cấu tạo và cách phân loại, nhận biết các kiểu so sánh thường gặp. Đừng quên tìm hiểu về các biện pháp tu từ khác để hiểu rõ hơn về ngôn ngữ tiếng Việt các bạn nhé!

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan