.
.
.

Từ đơn là gì? Phân biệt từ đơn và từ phức, phân loại từ đơn và ví dụ

Trong cấu tạo của tiếng Việt có rất nhiều loại từ khác nhau. Một trong số đó là từ đơn. Vậy từ đơn là gì và có tác dụng nào trong câu? Làm thế nào để phân biệt từ đơn và từ phức? Từ đơn được chia thành những loại nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc của các bạn.

Từ đơn là gì? Khái niệm của từ đơn

Hiểu một cách đơn giản, từ đơn chính là từ chỉ có một âm tiết, hoặc một tiếng cấu tạo thành. Trong đó, âm tiết/tiếng tạo nên từ đơn phải có nghĩa cụ thể khi đứng độc lập, riêng lẻ.

Ví dụ: Các từ “nhà”, “xe”, “cây”, “mắt”, “bàn”, “ghế”, “núi”, “rừng”, “mây”, “nước”, “học”, “ngủ”… chính là từ đơn. Vì các từ này chỉ do một âm tiết tạo thành, và các âm tiết này đều có nghĩa khi đứng độc lập.

Từ đơn là gì? Khái niệm của từ đơn

Tác dụng của từ đơn trong câu

Trong tiếng Việt, mỗi từ loại đều có một vai trò quan trọng như nhau. Từ đơn tuy có cấu tạo đơn giản nhất, nhưng lại góp phần làm phong phú thêm vốn từ ngữ của tiếng Việt. Với từ đơn, ta có thể dễ dàng biểu thị lời nói, suy nghĩ, ám chỉ các sự vật, hiện tượng xung quanh,… chỉ bằng một âm tiết duy nhất, mà vẫn đảm bảo người nghe có thể hiểu được ý nghĩa của từ.

Bên cạnh đó, từ đơn còn góp phần cấu tạo nên những từ ngữ phức tạp hơn, như từ ghép, từ láy, cụm từ,… Chỉ từ một âm tiết có nghĩa, đứng độc lập và đơn lẻ, ta có thể ghép các âm tiết lại với nhau để tạo nên những từ ngữ dài hơn và phức tạp hơn, như: “mưa bão”, “bàn ghế”, “yêu thương”, “nhà cửa”, “núi rừng”…

Tác dụng của từ đơn trong câu

Các loại từ đơn trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt, từ đơn được chia thành 2 loại, là từ đơn đơn âm tiết và từ đơn đa âm tiết.

Từ đơn đơn âm tiết là những từ chỉ do một tiếng, hay một âm tiết có nghĩa tạo thành. Đây là loại từ đơn giản nhất, từ cấu tạo cho đến ý nghĩa của từ. Ta có thể dễ dàng bắt gặp những từ đơn đơn âm tiết như: “ngày, “tháng”, “nhớ”, “yêu”, “đi”, “ăn”, “ngồi”, “học”, “chơi”…

Đối lập với từ đơn đơn âm tiết, từ đơn đa âm tiết là từ do hai âm tiết cấu tạo thành. Một số từ ngữ nước ngoài khi phiên âm sang tiếng Việt có thể có thêm dấu – để ngăn cách giữa các âm tiết. Ví dụ như: ti-vi, cafe,… 

Ngoài ra, từ đơn đa âm tiết còn được cấu tạo bởi 2 âm tiết không có nghĩa ghép lại với nhau. Ví dụ như: bồ kết, chôm chôm… Tuy nhiên, trong phạm vi Tiểu học, các từ đơn đa âm tiết sẽ không được giảng dạy, nên những từ có 2 âm tiết trở lên sẽ tạm thời được xếp vào từ ghép hoặc từ láy.

Các loại từ đơn trong tiếng Việt

Phân biệt từ đơn và từ ghép

Sau khi đã hiểu rõ từ đơn là gì, chúng ta cùng tìm hiểu cách phân biệt giữa từ đơn và từ phức. Để nhận biệt 2 loại từ này vô cùng đơn giản. Ta chỉ cần nhìn vào số lượng tiếng cấu tạo thành một từ hoàn chỉnh. Nếu từ chỉ có một tiếng duy nhất thì đó chính là từ đơn. Ngược lại, nếu từ có hai tiếng trở lên thì đó chính là từ phức.

Trong từ phức thì sẽ phân chia thành 2 loại khác nhau là từ ghép và từ láy. Các từ này đều có số lượng âm tiết nhiều hơn từ đơn, và các âm tiết này phải đi liền với nhau thì mới tạo ra nghĩa hoàn chỉnh của từ.

Phân biệt từ đơn và từ ghép

 

Ví dụ về từ đơn

Trong tiếng Việt, từ đơn vô cùng phong phú và đa dạng. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về từ đơn:

  • Từ đơn chỉ sự vật, hiện tượng: Nhà, cửa, xe, phố, hoa, lá, cây, bàn, ghế, sách, vở, bút, đất, nước…
  • Từ đơn chỉ người: Ông, bà, bố, mẹ, anh, chị…
  • Từ đơn chỉ hoạt động: Đi, đứng, ăn, ngồi, học, chơi, hát, viết…
  • Từ đơn chỉ cảm xúc, trạng thái: Buồn, vui, yêu, thương, mệt, sợ, chán…

Bài tập về từ đơn có đáp án

Sau đây là một số bài tập về từ đơn kèm đáp án để các bạn tham khảo:

  • Bài tập 1: 

Nhận biết từ đơn trong các từ ngữ sau đây: Tôi, ăn uống, đi, ăn năn, đẹp, hoa, và, xinh xắn, một, những, vẫn, sợ sệt, sợ hãi, xinh đẹp, rung lắc.

Đáp án: Tôi, đi, đẹp, hoa, và, một, những, vẫn.

  • Bài tập 2: 

Tìm các từ đơn trong câu sau: Nhờ / bạn / giúp đỡ /, lại / có / chí / học hành /, nhiều / năm / liền /, Hạnh / là / học sinh / tiên tiến /

Đáp án: Nhờ, bạn, lại, có, chí, nhiều, năm, liền, Hạnh, là.

  • Bài tập 3:

Tìm các từ đơn có trong đoạn văn ngắn sau đây: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Cứ chốc chốc, tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa hai chân lên vuốt râu”.

Đáp án: Bởi, tôi, và, nên, lắm, cứ, lại, và, đưa, hai, chân, lên.

  • Bài tập 4: 

Tìm từ đơn trong đoạn thơ sau đây: 

“Chỉ còn truyện cổ thiết tha 

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình

Rất công bằng, rất thông minh

Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang”

Đáp án: Chỉ, còn, cho, tôi, của, mình, rất, vừa, lại.

  • Bài tập 5: 

Trong các từ dưới đây, từ nào là từ đơn? 

  1. Sách vở 
  2. Vui
  3. Yêu thương 
  4. Xanh tươi

Đáp án: B. Vui

  • Bài tập 6:

Liệt kê các từ đơn có trong câu sau: “Quân là một học sinh chăm chỉ nên có thành tích học tập xuất sắc nhất lớp”.

Đáp án: Quân, là, một, nên, có, nhất, lớp.

  • Bài tập 7: 

Tìm từ đơn trong câu dưới đây: “Nhờ trời mưa mà không khí mát mẻ hơn”.

Đáp án: Nhờ, trời, mưa, mà, hơn.

  • Bài tập 8: 

Tìm 3 từ đơn và đặt câu với mỗi từ.

Đáp án (tham khảo): Đặt câu với 3 từ đơn: “nhớ”, “sách”, “học”.

    • Hương rất nhớ bố mẹ.
  • Sách là đồ dùng học tập em yêu thích nhất.
  • Học là nghĩa vụ của mỗi học sinh.

Xem thêm: 

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu từ đơn là gì, cũng như cách phân biệt từ đơn với từ phức. Để nắm rõ hơn về cấu tạo và cách phân loại từ, bạn có thể tham khảo một số bài tập ôn luyện như ở trên.

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan