.
.
.

Thán từ là gì? Tác dụng và bài tập ví dụ về thán từ trong tiếng Việt

Thán từ được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp hằng ngày của người Việt. Và đây là một phần kiến thức trong giáo trình văn học lớp 8. Trong nội dung bài viết này Bamboo School sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn thán từ là gì, tác dụng, phân loại thán từ và cách phân biệt thán từ với trợ từ. 

Thán từ là gì? Khái niệm của thán từ 

Thán từ là những từ đơn hoặc từ ghép thường được dùng trong các câu cảm thán để bộc lộ hoặc nhấn mạnh cảm xúc của người nói, người viết. Thán từ cũng được dùng trong các câu gọi đáp để tăng thêm tình cảm trong các câu gọi đáp. Một số thán từ mà chúng ta thường gặp trong đời sống hàng ngày như: Trời ơi, hỡi ơi, than ơi, à, ơi,…

Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thán từ: 

Trời ơi! Tin được không? Trong câu nói này “Trời ơi” chính là thán từ.

Minh à! Về ăn cơm con ơi. Trong câu này từ “à” và từ “ơi” chính là thán từ.

thán từ là gì

Tác dụng của thán từ 

Sau khi tìm hiểu thán từ là gì, chúng ta hãy tìm hiểu về tác dụng của thán từ nhé.

Thán từ được dùng trong câu cảm thán sẽ giúp bộc lộ cảm xúc của người nói, người viết một cách ngắn gọn và xúc tích. Còn hi thán từ được dùng trong câu gọi đáp thường sẽ có tác dụng truyền tải cảm xúc của người nói giúp câu gọi đáp trở nên thân thương gần gũi hơn.

Ví dụ về từ cảm thán dùng để bộc lộ cảm xúc: Mèn đét ơi! Món gì mà ngon dữ vậy? Trong câu nói này “Mèn đét ơi” chính là thán từ. Tác dụng của thán từ này là bày tỏ sự ngạc nhiên. 

Ví dụ về từ cảm thán dùng trong câu gọi đáp: Lan ơi! Minh đâu rồi con? Trong câu nói này “ơi” chính là thán từ. Tác dụng của thán từ này là tạo sự mềm mại cho câu gọi đáp.

thán từ là gì

Phân loại thán từ 

Thán từ được chia thành 2 loại:

  • Thán từ bộc lộ cảm xúc, tình cảm

Với loại thán từ này chúng ta thường gặp các thán từ như: ôi, ơi, trời ơi, hỡi ơi, than ôi, chao ôi,…

Ví dụ: Chao ôi! Con bé càng lớn càng xinh!

  • Thán từ gọi đáp

Với loại thán từ này chúng ta thường gặp các thán từ như: này, hỡi, ơi,…

Ví dụ: Này, bé ơi cho cô hỏi đường lên thị xã đi hướng nào vậy con?

Thán từ là gì

So sánh sự khác nhau giữa trợ từ và thán từ

Thán từ là gì

Dù bạn đã biết thán từ là gì. Bạn vẫn có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết giữa trợ từ và thán từ. Bạn hãy xem xét phân tích so sánh giữa trợ từ và thán từ dưới đây để phân biệt trơ từ và thán từ tốt hơn nhé. 

  • Xét về vị trí:
  • Thán từ thường sẽ được đặt ở đầu câu hoặc cuối câu.

Ví dụ: Trời ơi! Mấy nay mưa hoài không hết! 

Thán từ trong câu là “Trời ơi”. Vị trí của thán từ là nằm ở đầu câu.

  • Trợ từ thường đặt bên cạnh từ mà nó cần nhấn mạnh ý. Lúc này trợ từ có thể nằm ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. 

Ví dụ: Con bé giống ông Lý như đúc thế kia thì đích thị con bé là con ông ấy rồi. 

Trợ từ trong câu trên là “đích thị”. Vị trí của trợ từ nằm ở giữa câu. 

  • Xét về vai trò: 
  • Vai trò của thán từ chủ yếu là bộc lộ cảm xúc của người nói, người viết.

Ví dụ: Hú hồn! Ông làm tui giật mình.

Thán từ trong câu nói trên là “Hú hồn”, vai trò của thán từ là làm bật lên biểu cảm giật mình của người nói.

  • Vai trò của trợ từ là được biểu thị hoặc nhấn mạnh một sự vật, sự việc, con người hoặc hiện tượng nào đó đang được nhắc đến.

Ví dụ: Chính bạn Hùng là người đã đưa bạn Lan đến lớp. 

Trợ từ trong câu trên là từ “Chính”. Trợ từ có tác dụng nhấn mạnh cho nhân vật “bạn Hùng” được nhắc đến trong câu. 

Bài tập ví dụ minh họa về thán từ 

Dưới đây là một số bài tập giúp các bạn rèn luyện tập cách sử dụng thán từ nhanh và chính xác hơn. Đồng thời, các bài tập này cũng giúp bạn xác định xem bạn đã thực sự hiểu thán từ là gì chưa. 

Cách đặt câu với thán từ 

Bài tập 1: Hãy đặt câu với các thán từ gợi ý sau đây:

  • Than ôi
  • Trời ơi
  • Hỡi ôi
  • À

Bài tập 2: Hãy đặt câu có thán từ theo các yêu câu sau đây:

  • Hãy đặt câu có thán từ dùng để biểu thị sự bất ngờ.
  • Hãy đặt câu có thán từ dùng trong câu gọi đáp.
  • Hãy đặt câu có thán từ dùng để biểu thị sự vui mừng.

Đáp án gợi ý cho bài tập 1:

  • Than ôi! Làm thì cực ơi là cực mà không có đủ ăn.
  • Trời ơi! Lan nhìn kìa, hoa hướng dương ở đây to như bàn tay.
  • Hỡi ôi! Người thì  làm hoài không dư, người thì không cần vất vả vẫn dư ăn dư mặc.
  • À! Cái lồng đèn đó giá 30 nghìn. 

Đáp án gợi ý cho bài tập 2:

  • Câu có thán từ dùng để biểu thị sự bất ngờ: Ghê vậy! Thằng bé năm nay mấy tuổi rồi?
  • Câu có thán từ dùng trong câu gọi đáp: Đức ơi! Vào đây mẹ bảo.
  • Đặt câu có thán từ dùng để biểu thị sự vui mừng: Trời ơi! Năm nay nhà mình trúng mùa lớn rồi!

Tìm thán từ trong đoạn văn / bài văn sau

Thế đó. Cơn mưa rào tháng ngâu như làm nhòe đi những cánh hoa màu hồng trong lưu bút, và cũng làm nhòe đi những ký ức ngây thơ của tuổi mới lớn. Hỡi ơi. Giờ chỉ còn lại trong lòng Diệp những toan tính, nguyên tắc và sự nặng nề từ áp lực cuộc sống.

Đáp án: Thế đó, hỡi ơi.

Xem thêm:

Hy vọng với nội dung bài viết trên, Bamboo School đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thán từ là gì và cách dùng thán từ trong các cuộc trò chuyện hoặc khi viết văn. Bạn hãy đọc thêm nhiều tác phẩm văn học để tiếp cận nhiều hơn với cách sử dụng thán từ giúp câu văn có thêm giá trị nhé. 

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan