Trong những tác phẩm văn chương để làm nổi bật được nội dung cũng như ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải thì những biện pháp tu từ luôn được sử dụng thường xuyên và một trong số đó chính là điệp từ, điệp ngữ. Vậy điệp từ là gì, điệp ngữ là gì và có cấu trúc như thế nào sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây, bạn đừng bỏ qua nhé!
Điệp từ là gì? Điệp ngữ là gì?
Điệp từ hay điệp ngữ là một trong những biện pháp tu từ chỉ việc trùng lặp lại một từ hay một cụm từ với hàm ý muốn nhấn mạnh, liệt kê, khẳng định… để làm nổi bật nội dung và ý nghĩa về vấn đề muốn được truyền tải đến người đọc, người nghe.
Ví dụ:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
Điệp từ và điệp ngữ khác gì nhau?
Điệp từ là lặp lại một từ trong đoạn văn, đoạn thơ còn điệp ngữ là lặp lại cụm từ. Ngoài ra, bạn có thể thấy người ta sử dụng việc lặp lại cả câu trong trường hợp là câu hỏi, câu cảm thán, câu nghi vấn…nhiều lần trong đoạn thơ, đoạn văn thì đó là dạng điệp cấu trúc câu.
Điệp từ và điệp ngữ đều là thủ pháp nghệ thuật nhấn mạnh ý nghĩa, nội dung, cảm xúc hay còn làm tăng tính gợi hình gửi cảm cho tác phẩm văn chương. Như vậy, khái niệm điệp từ là gì, điệp ngữ là gì và khác gì nhau ở trên đã phần nào giúp bạn giải đáp thắc mắc về phần này rồi đúng không nào?
Tác dụng của điệp từ và điệp ngữ
Sau khi đã nắm rõ về khái niệm điệp từ là gì, điệp ngữ là gì thì bạn hãy tham khảo về tác dụng của biện pháp tu từ này để sử dụng và phân tích các đoạn văn, đoạn thơ cho phù hợp và chính xác nhé.
- Tác dụng nhấn mạnh: Điệp ngữ, điệp từ thường được sử dụng với mục đích nhấn mạnh và việc lặp lại này hoàn toàn là có chủ đích để nhấn mạnh về tình cảm, nỗi lòng của nhân vật, sự vật, sự việc được nói đến trong câu hay trong đoạn.
- Tác dụng liệt kê: ngoài việc sử dụng để nhấn mạnh thì biện pháp tu từ này còn được sử dụng để liệt kê nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa hay tính chất của những các sự vật, sự việc được đề cập đến.
- Tác dụng khẳng định: một trong những tác dụng của điệp từ, điệp ngữ đó là khẳng định điều quan trọng, là niềm tin của tác giả về sự việc sẽ xảy ra.
Cấu trúc của điệp từ và điệp ngữ
Không chỉ biết được định nghĩa điệp từ là gì mà bạn cần nắm được cấu trúc của nó để sử dụng hoặc làm bài tập tốt hơn. Người ta chia điệp từ, điệp ngữ ra làm 3 dạng như dưới đây
- Điệp ngữ/điệp ngữ nối tiếp: là các từ hay cụm từ lặp lại và nối tiếp nhau để làm nổi bật về cảm xúc hoặc ý nghĩa quan trọng.
Ví dụ:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm.
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.
(Ca dao tục ngữ Việt Nam)
Hoặc câu:
“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Thương em, thương em, thương em biết mấy”
(Phạm Tiến Duật)
- Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng): biện pháp tu từ này thường dùng trong thơ như thơ lục bát, thất ngôn lục bát, tứ tuyệt… giúp lời thơ mạch lạc và ý nghĩa được kết nối.
Ví dụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
(Chinh Phụ ngâm – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
- Điệp ngữ cách quãng: thường được sử dụng trong các tác phẩm thơ và thường cách nhau một vài từ, cụm từ hay cả một câu để bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Ví dụ:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền trôi thấp thoáng cánh buồn xa xa,
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh,
Tiếng mưa sầm sập vây quanh chỗ ngồi.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hoặc là:
“… Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Ví dụ về điệp từ và bài tập minh họa
Bạn có thể tham khảo ví dụ điệp từ ở những phần trên. Và khi đã nắm rõ về lý thuyết điệp từ là gì, điệp ngữ là gì thì bạn nên thực hành với những bài tập từ dễ đến khó về biện pháp tu từ này qua đó cũng cố và nâng cao kiến thức hơn. Dưới đây là một số bài tập mà bạn có thể tham khảo.
Bài tập 1: Cho đoạn văn sau:
“Trường em có mái ngói đỏ tươi. Trường em có nhiều cây xanh. Trường em có khoảng sân lớn để vui chơi. Trường em có cả tiếng chim hót véo von suốt ngày. Trường em luôn rộn rã tiếng cười của các bạn học sinh. Em rất yêu trường em!”
Cách lặp từ như trên có phù hợp không? Nếu không hãy sửa lại.
Trả lời:
Cụm từ “trường em” lặp đi lặp lại quá nhiều lần khiến làm cho đoạn văn thêm dài dòng, không tạo được điểm nhấn và mang lại cảm giác khó chịu cho người đọc.
Các bạn không nên sử dụng điệp từ, điệp ngữ khi không có mục đích rõ ràng. Có thể sửa lại đoạn văn trên như sau: “Trường em có mái ngói đỏ tươi, có rất nhiều cây xanh và khoảng sân lớn để vui chơi. Trường em luôn rộn rã tiếng cười của các bạn học sinh. Em rất yêu ngôi trường của mình!”
Bài tập 2:
a. Đặt 1 câu có sử dụng điệp từ có tác dụng liệt kê.
b. Đặt câu có sử dụng điệp từ giúp nhấn mạnh.
Gợi ý:
a. Bác Hồ là người cha già vĩ đại, là vị lãnh tụ, là một vĩ nhân của nhân loại.
b. Không gian đang ồn ào, náo nhiệt bỗng nhiên trở nên im lặng, mọi người đều im lặng đến những đứa bé đang nô đùa cũng ngừng chơi và im lặng chỉ vì tiếng hét chói tai của ai đó vừa vang lên.
Bài tập 3: Tìm và giải thích về phép điệp ngữ trong các trường hợp sau:
a)
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”
(Bếp lửa – Bằng Việt)
b) “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
(Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)
Trả lời:
(1) Điệp ngữ là “Một bếp lửa” được lặp lại 2 lần giúp nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa luôn hiện hữu trong trí nhớ của người cháu. Qua đó tình cảm sâu đậm của tác giả cùng nỗi nhớ nhung da diết về người bà, về chiếc bếp lửa tuổi thơ.
(2) Điệp ngữ “Một dân tộc” được lặp lại 2 lần thể hiện tinh thân quật cường của dân tộc Việt Nam dù phải đương đầu trước những kẻ thù hùng mạnh vẫn vững vàng chiến đấu.
Điệp ngữ “Dân tộc đó phải” được lặp lại 2 lần chính là sự khẳng định một điều chắc chắn, điều tất yếu “phải được độc lập” của dân tộc vô cùng quả cảm, bất khuất và kiên cường.
Xem thêm:
- Mạo từ trong tiếng Anh: Khái niệm, tác dụng, phân loại, cách dùng
- Chỉ từ là gì? Khái niệm, vai trò, các loại chỉ từ và bài tập minh họa
- Từ láy là gì? Phân biệt từ láy và từ đơn, các loại từ láy và ví dụ minh họa
Hi vọng qua bài viết này đã giúp bạn hiểu được điệp từ là gì, điệp ngữ là gì để làm bài tập Ngữ Văn về phần này điểm cao hơn và có thể vận dụng thật tốt biện pháp tu từ này. Đừng quên tham khảo thêm những bài viết bổ ích của Bamboo School nhé!