.
.
.

Phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu loại? Cách xác định và nhận biết

Phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu loại? Cách xác định và nhận biết

Trong tiếng Việt, phương thức biểu đạt đóng một vai trò rất quan trọng. Vậy cụ thể phương thức biểu đạt là gì? Phương thức biểu đạt bao gồm những loại nào và cách nhận biết ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp rõ hơn về những kiến thức Văn học của Trung học Cơ sở. Cùng chúng mình tìm hiểu rõ hơn nhé!

Phương thức biểu đạt là gì?

Từ khái niệm trong Sách Giáo khoa Ngữ văn, ta có thể hiểu phương thức biểu đạt chính là cách thức để người viết truyền đạt thông tin, thông điệp của mình đến người khác. Hay nói cách khác, người viết sẽ bày tỏ, thể hiện tình cảm, tâm tư và suy nghĩ của mình đến người đọc thông qua phương thức biểu đạt.

Bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng đều phải sử dụng phương thức biểu đạt. Việc kết hợp một cách linh hoạt giữa các phương thức biểu đạt sẽ làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho tác phẩm, nhờ đó tạo được ấn tượng cho người đọc.

Phương thức biểu đạt là gì?

Phương thức biểu đạt chính là cách thức để người viết truyền đạt thông tin, thông điệp của mình đến người đọc

Các loại phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt tự sự là gì

Định nghĩa

Phương thức biểu đạt tự sự là phương thức mà trong đó, người viết sẽ trình bày các sự vật, sự việc, hiện tượng theo một mạch hoàn chỉnh, theo một trình tự không gian gian hay thời gian nhất định, và không bi ảnh hưởng bởi quan điểm hay thái độ của tác giả.

Người viết sẽ dùng phương thức này để kể lại một câu chuyện có diễn biến liền mạch, liên quan đến nhau về nhân vật bất kỳ, từ đó gửi gắm thông điệp đến người đọc.

Cách nhận biết

Để nhận biết một tác phẩm có phương thức biểu đạt tự sự hay không, ta sẽ dựa vào các yếu tố sau đây:

  • Tác phẩm phải có cốt truyện rõ ràng
  • Thể hiện được tư tưởng, chủ đề rõ ràng và đầy đủ
  • Phải có nhân vật, sự việc, sự kiện xảy ra theo từng diễn biến
  • Lựa chọn ngôi kể phù hợp

Cách xác định phương thức biểu đạt

Muốn xác định phương thức biểu đạt tự sự trong một tác phẩm, ta cần nghiên cứu kỹ tác phẩm. Sau đó, liệt kê ra các tình tiết, diễn biến của sự việc, tìm nhân vật cũng như xác định rõ nội dung cốt truyện. Từ những yếu tố này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem người viết muốn gửi gắm tư tưởng, thông điệp như thế nào qua tác phẩm của mình.

Vai trò

Phương thức biểu đạt tự sự đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học, đặc biệt là văn xuôi, truyện ngắn, tiểu thuyết,… bởi đây là phương thức biểu đạt chính của các thể loại này. Nhờ có phương thức biểu đạt tự sự, người đọc có thể nắm được cốt truyện và diễn biến các tình tiết trong tác phẩm, hiểu được tính cách nhân vật thông qua một chuỗi hành động nhất định. Từ đó, người đọc có thể hiểu được nội dung tư tưởng, ý nghĩa mà người viết muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Phương thức biểu đạt tự sự là gì

Trong phương thức biểu đạt tự sự, người viết sẽ trình bày các sự vật, sự việc, hiện tượng theo một mạch hoàn chỉnh

Phương thức biểu đạt miêu tả là gì

Định nghĩa

Khác với tự sự, phương thức biểu đạt miêu tả là phương thức mà người viết sẽ sử dụng các từ ngữ, hình ảnh,… sao cho người đọc có thể liên tưởng tới sự vật, hiện tượng đang được nhắc đến một cách dễ hiểu và chân thực nhất. Đây là một trong những phương thức biểu đạt được sử dụng phổ biến nhất, đặc biệt là trong thơ ca, bút ký,…

Cách nhận biết

Muốn nhận biết phương thức miêu tả trong một văn bản hay đoạn văn bất kỳ, ta dựa vào những yếu tố như:

  • Xác định rõ những tính từ, động từ, biện pháp tu từ được người viết sử dụng
  • Người viết có sử dụng những câu văn miêu tả chi tiết hình dáng về sự vật, hiện tượng, hay tính cách, ngoại hình, suy nghĩ… của con người
  • Các đặc điểm của thế giới bên ngoài đều được miêu tả một cách sinh động và rõ ràng

Cách xác định phương thức biểu đạt

Để xác định phương thức miêu tả, ta sẽ xem xét cách dùng từ ngữ của người viết. Các tính từ, động từ, biện pháp tu từ chủ yếu được dùng để tái hiện lại dáng vẻ bề ngoài của sự vật, hiện tượng hoặc tính cách, ngoại hình cùa con người. Càng tái hiện chi tiết thì ta càng dễ nhận biết được đâu là miêu tả, đâu là không.

Vai trò

Nhờ có phương thức biểu đạt miêu tả mà người đọc có thể tưởng tượng, hình dung bối cảnh, sự vật, nhân vật,… một cách chân thực và rõ nét hơn. Phương thức biểu đạt miêu tả còn làm tăng tính gợi hình gợi tả, làm cho tác phẩm trở nên mềm mại và dễ tạo được ấn tượng cho người đọc.

Phương thức biểu đạt miêu tả là gì

Đối với phương thức biểu đạt miêu tả, người viết sẽ sử dụng các từ ngữ, biện pháp tu từ,… để tái hiện lại sự vật, hiện tượng một cách sinh động

Phương thức biểu đạt biểu cảm là gì

Định nghĩa

Phương thức biểu cảm là phương thức biểu đạt dùng để bộc lộ những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tái hiện lại thế giới nội tâm của người viết. Đối với phương thức này, người viết chủ hiểu bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình đến người đọc. Tình cảm được thể hiện tác phẩm là những tình cảm mang đậm ý nghĩa nhân văn.

Cách nhận biết

Cách nhận biết phương thức biểu đạt trong tác phẩm là:

  • Dựa vào tần suất xuất hiện của các từ ngữ có chức năng bộc lộ cảm xúc, thái độ trước sự vật, hiện tượng, con người,… của người viết
  • Dựa vào các từ ngữ hoặc câu cảm thán

Cách xác định phương thức biểu đạt

Cách xác định phương thức biểu cảm trong một văn bản hay một đoạn văn/đoạn thơ bất kỳ chủ yếu dựa vào các từ ngữ, các câu văn/câu thơ mang tính thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết. Người viết càng sử dụng các từ ngữ, câu cảm thán càng nhiều thì càng thể hiện rõ nội tâm của mình đến người đọc.

Vai trò

Trong một tác phẩm văn học, phương thức biểu cảm đóng vai trò làm tăng tính gợi cảm cho tác phẩm. Đồng thời, thông qua phương thức biểu đạt này, người viết có thể cảm nhận rõ hơn thế giới nội tâm của tác giả, thấu hiểu và đồng cảm với những tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc, nguyện vọng,… được tác giả gửi gắm qua tác phẩm.

Phương thức biểu đạt biểu cảm là gì

Phương thức biểu cảm góp phần làm tăng tính gợi cảm cho tác phẩm

Phương thức biểu đạt thuyết minh là gì

Định nghĩa

Đúng như tên gọi của mình, phương thức biểu đạt thuyết mình là phương thức biểu đạt dùng để cung cấp, giới thiệu những thông tin, kiến thức liên quan đến đặc điểm, tính chất của một sự vật hay một hiện tượng bất kỳ đến người đọc.

Các từ ngữ, câu văn dùng để thuyết minh phải mang tính khách quan và thể hiện thông tin thật chính xác, đầy đủ mà không lồng ghép cảm xúc của người viết. Đây cũng là điểm khác biệt giữa thuyết minh với tự sự, miêu tả và biểu cảm.

Cách nhận biết

Có những cách nhận biết phương thức thuyết minh sau đây:

  • Dựa vào những câu văn giới thiệu đặc điểm, tính chất,… của đối tượng được đề cập
  • Ngôn ngữ mạnh lạc, rõ ràng, có logic
  • Dựa vào các biện pháp tu từ so sánh, liệt kê

Cách xác định phương thức biểu đạt

Khi xác định phương thức thuyết minh trong một văn bản, ta cần xem xét kỹ cách sử dụng từ ngữ, lối hành văn của người viết. Văn bản thuyết minh sẽ giới thiệu, cung cấp thông tin và kiến thức một cách chính xác, không lồng ghép với yếu tố cảm xúc cá nhân. Cần lưu ý điều này để tránh nhầm lẫn với các phương thức biểu đạt khác.

Vai trò

Phương thức biểu đạt thuyết minh đóng vai trò giúp người đọc tìm hiểu thông tin, mang đến những kiến thức hữu ích nhất. Nhờ có phương thức biểu đạt này, ta có thể hiểu được về đặc điểm, tính chất,… của các sự vật, hiện tượng… bên ngoài, mở mang vốn tri thức của mình một cách đầy đủ và chính xác nhất. Cũng chính vì vậy mà phương thức thuyết minh thường được áp dụng trong các văn bản thuyết minh về một vấn đề, một địa điểm du lịch, một sự vật,…

Phương thức biểu đạt thuyết minh là gì

Phương thức biểu đạt thuyết minh cung cấp thông tin và kiến thức một cách khách quan và chính xác

Phương thức biểu đạt nghị luận là gì

Định nghĩa

Nghị luận có nghĩa là bàn luận. Phương thức biểu đạt nghị luận là phương thức mà người viết dùng để trình bày, đưa ra quan điểm, ý kiến, đánh giá hoặc bàn luận của mình về một vấn đề, một sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Từ những đánh giá, ý kiến này, người đọc có thể đồng ý hoặc không đồng ý với những điều mà người viết đã nêu ra.

Cách nhận biết

Cách nhận biết phương thức nghị luận bao gồm các yếu tố sau đây:

  • Xác định chủ đề/quan điểm bàn luận một cách rõ ràng
  • Xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ, dẫn chứng sắc bén nhằm phân tích, chứng minh cho quan điểm được nêu ra
  • Bố cục bài viết phải chặt chẽ, lập luận mang tính thuyết phục

Cách xác định phương thức biểu đạt

Khi muốn xác định phương thức nghị luận trong một văn bản hay đoạn văn bất kỳ, ta thường dựa vào các luận điểm, luận cứ và dẫn chứng mà người viết nêu ra. Bài viết càng xây dựng hệ thống luận điểm và luận cứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ và sắc bén thì càng dễ thuyết phục được người đọc.

Vai trò

Thông qua phương thức nghị luận, người đọc có thể nắm được những thông tin, kiến thức về vấn được được bàn luận, quan sát vấn đề một cách khách quan và đa chiều. Từ đó, người đọc có thể tự hình thành nên quan điểm cá nhân, có thể đồng tình hoặc không đồng tình, bổ sung lập luận cho người viết.

Phương thức biểu đạt nghị luận là gì

Phương thức nghị luận trình bày hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ và mang tính thuyết phục

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ là gì

Định nghĩa

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ là phương thức dùng để truyền tải những nội dung, yêu cầu, quyết định,… từ cấp trên xuống, hoặc dùng để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, cấp dưới tới các cơ quan, đoàn thể cao hơn để giải quyết một vấn đề nào đó. Vì tính chất đặc thù, phương thức biểu đạt này chỉ được sử dụng trong các loại văn bản hành chính chứ không xuất hiện trong các tác phẩm văn học.

Cách nhận biết

Cách nhận biết phương thức biểu đạt hành chính – công vụ rất đơn giản. Ta sẽ dựa vào các thành phần trong một văn bản hành chính, bao gồm:

  • Quốc hiệu và tiêu ngữ
  • Địa điểm và ngày tháng
  • Họ tên, chức vụ của người/cơ quan nhận
  • Họ tên, chức vụ của người/cơ quan gửi
  • Nội dung
  • Chữ ký
  • Họ tên người làm văn bản

Cách xác định phương thức biểu đạt

Muốn xác định phương thức biểu đạt hành chính – công vụ, ta chỉ cần dựa vào bố cục, thành phần trong các văn bản hành chính. Tùy theo từng loại văn bản cụ thể mà một số thành phần có thể được thay đổi, điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, về cơ bản thì vẫn có những thành phần bắt buộc như: Quốc hiệu và tiêu ngữ, thời gian và địa điểm làm văn bản, họ tên của cơ quan/người nhận và cơ quan/người gửi, chữ ký và họ tên của người làm văn bản,…

Vai trò

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ được sử dụng để giao tiếp giữa các cơ quan đoàn thể với người dân, hoặc giữa các cá nhân trong cùng một tập thể. Nó thể hiện được sự trang trọng và mang tính chính xác cao. Thông qua phương thức này, người đọc có thể nắm được các thông tư, quyết định, thông báo,… một cách đầy đủ và rõ ràng.

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ là gì

Phương thức biểu đạt hành chính – công vụ dùng để truyền tải những nội dung, yêu cầu, quyết định,… của cấp trên, hoặc dùng để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, cấp dưới

Ví dụ và bài tập thường gặp về phương thức biểu đạt

Bài tập 1: Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn thơ dưới đây:

“Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)

Đáp án: Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

Bài tập 2: Các đoạn trích dưới đây sử dụng phương thức biểu đạt nào?

a) “…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi  nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.

Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”.

(Trích Tuỳ bút Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân)

b) “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân phong kiến.

Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”

(Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục)

Đáp án:

a) Miêu tả

b) Nghị luận

Bài tập 3: Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích sau đây:

“Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn của hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải…”

(Trích Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000)

Đáp án: Phương thức biểu đạt: Thuyết minh.

Bài tập 4: Tại sao văn bản dưới đây được gọi là văn bản thuyết minh?

“Đây là một nhạc cụ họ dây, chỉ gảy. Xưa kia chỉ dùng đệm cho hát ả đào. Đàn có bầu cộng hưởng hình thang, đáy lớn khoảng 25cm nằm phía trên, đáy nhỏ khoảng 22cm nằm phía dưới, hai cạnh bên khoảng 35cm, dày 7 – 9 phân. Mặt đàn bằng gỗ xốp, thường là gỗ cây ngô đồng, còn gắn thêm mảnh gỗ hình chữ U có lỗ để mắc gốc dây đàn. Cần đàn dài 1,2m, gắn 10-12 phím gọt bằng tre. Đàn đáy có ba dây bằng tơ xe, cách nhau một quãng bốn, ứng với nốt soi-đô-fa. Tiếng đàn ấm, dịu và đục, đi với giọng nữ kết hợp tiếng phách tre hài hòa có khả năng thể hiện những cung bậc tinh tế của tình cảm”.

A. Kể lại một câu chuyện về cây đàn đáy.

B. Giới thiệu một cách chính xác, khách quan cây đàn đáy.

C. Thuyết phục người đọc tin về cái hay của đàn đáy.

D. Phát biểu cảm nghĩ về cây đàn đáy.

Đáp án: B.

Bài tập 5:  Căn cứ vào đâu để khẳng định đoạn văn sau đây không phải là một văn bản biểu cảm mà là một văn bản tự sự?

“ – Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Chính là anh thanh niên giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Anh chạy ra nhà sau, rồi trở vào liền, tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.

– Ô! Cô còn quên chiếc mùi xoa này!

Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khoỉu trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư nhếch mép, mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.”

A. Miêu tả cảnh chia tay của anh thanh niên với cô kĩ sư.

B. Kể lại hai sự việc của anh thanh niên khi chỉ còn năm phút.

C. Thuyết phục người đọc về hoàn cảnh của anh thanh niên khi chỉ còn năm phút.

D. Giới thiệu với người đọc về hoàn cảnh của anh thanh niên khi chỉ còn năm phút.

Đáp án: B.

Bài tập 6: Tại sao nói thơ trữ tình là thể loại biểu hiện rõ nhất đặc điểm của văn bản biểu cảm?

A. Vì thơ trữ tình bộc lộ tình cảm, cảm xúc một cách trực tiếp.

B. Vì thơ trữ tình bộc lộ tình cảm, cảm xúc một cách gián tiếp

C. Vì thơ trữ tình miêu tả rõ nét hình ảnh, sự vật.

D. Vì thơ trữ tình thuyết phục người nghe về tình cảm của người viết rõ nhất.

Đáp án: A.

Xem thêm:

Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu được phương thức biểu đạt là gì, cũng như nắm rõ khái niệm và cách nhận biết 6 phương thức biểu đạt thông dụng nhất. Chúc các bạn sẽ gặt hái kết quả cao trong môn Ngữ văn.

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan