.
.
.

Luận cứ là gì? Luận điểm là gì? Cách xác định và tìm luận điểm, luận cứ

Luận cứ là gì? Luận điểm là gì? Cách tìm và xác định

Để tăng tính thuyết phục và độ mạch lạc cho một bài văn nghị luận, ta cần phải sử dụng đúng các luận điểm, luận cứ ở từng phần của bài văn. Vậy những luận điểm, luận cứ này là gì? Chúng giống hay khác nhau? Làm sao để xác định được đâu là luận điểm, còn đâu là luận cứ để đưa vào bài văn của mình? Bài viết của Bamboo School sau đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên!

Luận cứ là gì?

Luận cứ chính là các dẫn chứng cụ thể được đưa ra nhằm làm cơ sở chứng minh các luận điểm được đề cập. Các luận cứ cần được xây dựng và tham khảo dựa trên các nguồn thông tin thực tế, số liệu khoa học hoặc các thực nghiệm thì mới có tính thuyết phục.

Các luận cứ cần phải đạt một số yêu cầu sau:

  • Chân thật, đúng đắn
  • Đã được xác thật (các định lý, định luật…)
  • Phải mang tính logic, liên kết chặt chẽ với nhau

Luận cứ được chia thành 2 loại là lý thuyết và thực tiễn.

  • Luận cứ lý thuyết: những luận cứ đã được giới khoa học chứng minh là đúng đắn (định lý, tiên đề, công thức, định luật, quy luật,…)
  • Luận cứ thực tiễn: đây là những luận cứ được xác lập trên các cuộc thí nghiệm, thực nghiệm, phỏng vấn thực tế từ các công trình nghiên cứu khoa học có uy tín.

Luận điểm là gì?

Khi bạn đưa ra một quan điểm, một cách nhìn nhận bất kỳ về một vấn đề nào đó trong bài văn nghị luận, đó được xem là luận điểm. Một bài văn nghị luận được xây dựng dựa trên các luận điểm, từ những luận điểm này mà bạn sẽ phân tích và làm sáng tỏ quan điểm theo yêu cầu của bài viết.

Luận điểm của mỗi người là khác nhau và chúng không cần phải giống nhau hoàn toàn như một định lý, định luật (như là ở luận cứ).

Phân biệt luận điểm và luận cứ

Luận điểm Luận cứ
Cơ sở xác lập Ý tưởng; quan điểm của người viết Thông tin xác thật đã được chứng minh trước đó
Chứng minh cho Chứng minh cho quan điểm và lối tư duy, suy nghĩ của bản thân người viết Luận điểm
Yêu cầu khác Đúng đắn (có thể được chứng minh bởi các luận cứ) Chính xác; logic; độ đáng tin cậy cao

Cách xác định luận điểm, luận cứ trong bài văn nghị luận

Cách xác định luận điểm

Luận điểm được xác định trước khi ta viết một bài văn nghị luận. Luận điểm sẽ được xác định dựa trên cảm quan, cách nhìn nhận sự việc của người viết.

Sau đây là một số cách giúp bạn có thể xác định được luận điểm cho bài viết của mình;

  • Theo dữ liệu được cung cấp sẵn tại đề bài.
  • Dựa trên cách đặt câu hỏi.
  • Dựa trên phương thức nghị luận.

Cách xác định luận cứ

Để có thể xác định những luận cứ chính xác nhằm chứng minh luận điểm của bản thân, đòi hỏi bạn cần có một vốn kiến thức nhất định vì những luận cứ này buộc phải chính xác, có tính khoa học và đã được chứng minh trước đó.

Trước hết hãy phân tích luận điểm mà bản thân đã đưa ra, từ đó xác định từng yếu tố một trong câu mà bạn cần phải chứng minh.

Ví dụ: “Thực hiện hoạt động PR, quảng bá sản phẩm qua các kênh social media rất quan trọng đối với một doanh nghiệp”

Khi này, bạn cần chứng minh vì sao lại phải quảng bá qua các kênh social media? Và vì sao hoạt động này lại quan trọng?

Chúng ta có một số luận cứ như sau:

  • Xã hội hiện nay đang ở thời kỳ 4.0 (thời đại kỹ thuật số – cuộc cách mạng công nghệ)
  • 2/3 dân số thế giới hiện đang sử dụng các trang mạng xã hội
  • Quảng bá qua phương tiện social media giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn quảng cáo truyền thống mà lại tiếp cận được với nhiều khách hàng mục tiêu hơn.

Cách tìm luận điểm và luận cứ trong bài văn nghị luận

Tương tự như tại mục “Cách xác định luận điểm và luận cứ trong bài văn nghị luận”, để có thể tìm được luận điểm phù hợp với yêu cầu để bài. Trước hết bạn cần phải nắm và hiểu được yêu cầu chính của đề bài là gì? Từ đó dựa trên cách nhìn nhận và quan điểm cá nhân của chính mình để đưa ra các luận điểm phù hợp.

Cách tìm luận cứ sẽ có phần khó hơn đôi chút vì công việc này yêu cầu tính xác thật. Tuy nhiên nếu bạn không thể dẫn chứng được cụ thể số liệu chính xác thì có thể đưa ra những sự thật hiển nhiên để tăng phần thuyết phục cho bài viết của mình.

Ví dụ:

Thay vì phải nói rằng: “90% trường hợp mắc các bệnh ung thư phổi hiện nay được ghi nhận là do thuốc lá gây nên”

Ta có thể thay rằng: “Thuốc là chính là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp, điển hình là ung thư phổi”

Bài tập ví dụ về luận điểm và luận cứ

Câu 1: Xác định các luận điểm, luận cứ của đoạn văn sau

“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho nhu cầu đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử” (Đặng Thai Mai – Sự giàu đẹp của tiếng Việt)

Hướng dẫn:

Luận điểm:

  • Tiếng Việt có những đặc sắc riêng của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.

Các luận cứ gồm:

  • Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu.
  • Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho nhu cầu đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử

Câu 2: Đoạn văn sau đây đang trình bày về luận điểm nào?

Quan lại vì tiền mà bất chấp công lý; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà; Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn bán thịt người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác. Cả một xã hội chạy theo tiền. (Hoài Thanh)

  1. Xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội vô nhân đạo
  2. Xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội bất công.
  3. Xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội chạy theo đồng tiền.
  4. Xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội vùi dập nhân tài.

Xem thêm: 

Các bạn vừa xem qua bài viết nói về luận điểm và luận cứ. Bài viết với mong muốn hỗ trợ các bạn học sinh trong việc xây dựng một hệ thống các dẫn chứng và lập luận thuyết phục cho các bài văn của mình. Mong rằng các bạn sẽ tìm được thông tin có ích cho mình thông qua bài viết này nhé!

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan