.
.
.

Tổng hợp bộ đề thi mẫu kì thi đánh giá năng lực 2022 môn văn

đánh giá năng lực 2022 môn văn

Bạn hiểu gì về kỳ thi đánh giá năng lực? Bạn đã chuẩn bị đầy đủ các kiến thức cho kì thi đánh giá năng lực sắp tới chưa? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cấu trúc đề thi mẫu kì thi đánh giá năng lực 2022 môn văn mới nhất.

Thi đánh giá năng lực (ĐGNL) là gì?

Thi đánh giá năng lực chính là hình thức kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh thông qua một bài kiểm tra, để từ đó có thể đánh giá được năng lực thực sự mà thí sinh đang có trước khi vào đại học.

Về hình thức bài thi: Các bài thi đánh giá năng lực sẽ được thiết kế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan hay còn được gọi là MCQ – Multiple Choice Question.

Về nội dung bài thi: Bài thi đánh giá năng lực 2022 sẽ tích hợp tất cả các kiến thức và tư duy với các dạng hình thức như: cung cấp dữ liệu, số liệu và các công thức từ căn bản đến nâng cao,giúp đánh giá được khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thí sinh.

Kỳ thi đánh giá năng lực được thiết kế với cách tiếp cận tương tự như kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ hay kỳ thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

đánh giá năng lực 2022 môn văn

Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực môn ngữ văn

So sánh giữa đề thi THPT quốc gia và đề thi đánh giá năng lực :

Đề thi THPT quốc gia

  • Hình thức: Tự luận
  • Mức độ: Độ khó cao
  • Phạm vi: Độ phủ hẹp

Đề thi Đánh giá năng lực

  • Hình thức: Trắc nghiệm
  • Mức độ: Độ khó không quá cao
  • Phạm vi: Độ phủ rộng

Cấu trúc một đề thi đánh giá năng lực môn ngữ văn gồm 20 câu hỏi được bố trí như sau: 

  • Kiến thức từ lớp 6-10: 7 câu
  • Kiến thức từ 11-12: 5 câu 
  • Vấn đề xã hội ( nằm ngoài sgk): 8 câu

Các kiến thức trọng tâm:

  • Ngữ âm
  • Từ vựng
  • Các kiểu câu hỏi
  • Phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt
  • Đặc trưng từng thể loại
  • Giai đoạn văn học

đánh giá năng lực 2022 môn văn

2 đề thi tham khảo môn ngữ văn

Đề 1:

Câu 1: Trong các thể loại sau, thể loại nào thuộc loại hình kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội?
A. Truyền thuyết.
B. Thần thoại.
C. Truyện thơ.
D. Chèo.

Câu 2: Tê-lê-mác là nhân vật trong đoạn trích nào?
A. “Uy-lit-xơ trở về” (trích sử thi Ô-đi-xê).
B. “Ra-ma buộc tội” (trích sử thi Ra-ma-ya-na).
C. “Đẻ đất đẻ nước” (trích sử thi Đẻ đất đẻ nước).
D. “Chiến thắng Mtao-Mxây” (trích sử thi Đăm Săn).

Câu 3: “Kìa ai tỉnh, kìa ai say
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày.
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại,
Chớ mó hang hùm nữa mất tay”.
(Hồ Xuân Hương, Xướng họa với quan Tế tửu họ Phạm, bài 2)
Hành động “ghẹo nguyệt” của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên có ý nghĩa gì?
A. Trêu chọc mặt trăng.
B. Trêu chọc người con gái đẹp.
C. Trêu chọc người con gái hung dữ.
D. Trêu chọc con hùm trong hang.

Câu 4: “Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao”.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhàn)
Quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không mang nội dung nào?
A. Sống nhàn hạ, tránh vất vả về mặt thể xác.
B. Tránh xa vòng danh lợi, giữ cốt cách thanh cao.
C. Sống hòa hợp với thiên nhiên.
D. Sống đạm bạc, giữ sự tự tại về mặt tâm hồn.

Câu 5: “Gió bấc trở về tim bỗng lạnh
Ngoài kia mây nước khóc gì nhau?
Bỗng thương, bỗng nhớ từ đâu lại
Hồn lắng nghe im khúc nhạc sầu”.
(Quang Dũng, Trở rét)
Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn thơ trên?
A. So sánh, nhân hóa.
B. Nhân hóa, câu hỏi tu từ.
C. Điệp ngữ, hoán dụ.
D. Nói quá, ẩn dụ.

Câu 6: Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài cả đời khổ sở vì mưu sinh và bị chồng đánh, nhưng cũng có lúc bà cảm thấy thật vui, đó là khi nào?
A. Khi gặp được Phùng và Đẩu.
B. Khi biển có nhiều tôm cá.
C. Khi nhìn các con được ăn no.
D. Khi tránh được những đòn roi của chồng.

Câu 7: Trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, hình tượng người lái đò thể hiện như
A. một người lao động tiều tụy vì công việc lái đò gian nan.
B. một người lao động ngang tàng, không biết lượng sức mình.
C. một người lao động, đồng thời là một nghệ sĩ.
D. một người lao động xem thường thiên nhiên.

Câu 8: Trong những từ sau, từ nào viết sai chính tả?
A. Ráo riết.
B. Trong trẻo.
C. Xơ xác.
D. Xuất xứ.

Câu 9: Trong những câu sau, câu nào có từ viết sai chính tả?
A. Ông ta luôn thực hiện tốt những chỉ đạo của cấp trên.
B. Ông ta luôn chê trách những hành động thiếu văn minh nơi công sở.
C. Ông ta luôn chỉ trích những ý tưởng sai lầm của lãnh đạo.
D. Ông ta luôn gièm pha thành công của người khác.

Trang 3/16

Câu 10: Điền từ đúng vào chỗ trống trong câu sau:
“Căn cứ này quan trọng nhất. Chúng ta cần bảo vệ………………….. quân sự này”.
A. điểm yếu
B. nhược điểm
C. thiết yếu
D. yếu điểm

Câu 11: Từ nào đồng nghĩa với từ “lác đác” trong câu thơ “Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Bà huyện Thanh Quan, Qua đèo Ngang)?
A. San sát.
B. Thưa thớt.
C. Hiu hắt.
D. Thoang thoảng.

Câu 12: “Một trăm thứ than, than thân là than không ai quạt.
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua”.
(Ca dao)
“Than” và “bạc” ở câu trên được sử dụng biện pháp tu từ gì?
A. Chơi chữ.
B. Ẩn dụ.
C. Hoán dụ.
D. Nói quá.

Câu 13: Trong những câu sau, câu nào thiếu chủ ngữ?
A. Sinh viên được nâng cao thể lực sau ba tháng rèn luyện.
B. Qua ba tháng rèn luyện đã nâng cao thể lực của sinh viên.
C. Giáo viên đã nâng cao thể lực của sinh viên sau ba tháng rèn luyện.
D. Qua ba tháng rèn luyện, giáo viên đã nâng cao thể lực của sinh viên.

Câu 14: “Lòng tin sâu sắc của những thế hệ cha anh vào lực lượng măng non và xung kích sẽ tiếp bước mình”.
Câu trên là câu:
A. sai logic.
B. thiếu chủ ngữ.
C. thiếu vị ngữ.
D. đúng.

Câu 15: “Em hãy tìm các ví dụ trong Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều và Hồ Xuân Hương để chứng minh cho ý kiến trên”.
Câu trên là câu:
A. có thành phần cùng chức không đồng loại.
B. đúng.
C. sắp xếp sai vị trí các thành phần.
D. không đủ thành phần chủ ngữ – vị ngữ.
Dựa vào thông tin dưới đây để trả lời các câu từ 16 đến 20
“Các ông bà bắt thằng Canh hộ tôi! Nó ăn cắp.
Người ta huỳnh huỵch. Tán loạn.
Mặc kệ. Nó nuốt lấy nuốt để. Miếng khoai trôi xuống cổ nó phình ra. Nó lại vội vàng ngoạm
miếng nữa, nhai ngấu nghiến.
Bà hàng ôm chặt lấy chân nó. Nó khỏe hơn, giằng ra được. Người ta xúm lại, tóm ngang lưng nó. Nó không chạy. Nhưng nó vẫn nhai, vẫn nuốt. Rồi biết thế nguy, nó không nhai, trợn mắt lên để nuốt chửng. Rồi lại hấp tấp ngốn luôn miếng nữa.
Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào
lưng. Như mưa vào chân nó”.

(Nguyễn Công Hoan, Bữa no đòn)

Câu 16: Đoạn văn trên được viết theo phong cách nghệ thuật nào?
A. Trữ tình.
B. Hiện thực.
C. Lãng mạn.
D. Bi hùng.

Câu 17: Thằng Canh – đứa trẻ ăn cắp khoai – có hành vi ứng xử như thế nào khi bị vây bắt và hành vi đó thể hiện điều gì?
A. Đứa trẻ bỏ chạy thục mạng, thể hiện nỗi sợ hãi.
B. Đứa trẻ trốn vào chỗ khuất, thể hiện sự khôn ngoan, lém lỉnh.
C. Đứa trẻ vu oan cho người khác, thể hiện sự gian trá.
D. Đứa trẻ hứng trận đòn để ăn trọn miếng khoai, thể hiện sự đói khát đến tận cùng.

Câu 18: “Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó”.
Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng kiểu câu:
A. sai ngữ pháp.
B. rút gọn.
C. cảm thán.
D. đặc biệt.

Câu 19: Câu trả lời nào sau đây không thể hiện tác dụng nghệ thuật của đoạn văn: “Chửi. Kêu. Đấm.Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó”?
A. Tạo ra nhịp điệu dồn dập và sắc thái mạnh mẽ của đoạn văn.
B. Làm bật lên tình cảnh khổ sở, đáng thương của đứa trẻ côi cút và đói rách.
C. Thể hiện bút pháp miêu tả mang tính hiện thực, khách quan.
D. Lên án một cách mạnh mẽ hành vi ăn cắp xấu xa của đứa trẻ.

Câu 20: Câu trả lời nào sau đây là nội dung không được đề cập trong đoạn văn trên?
A. Đám đông tàn nhẫn, cạn kiệt tình thương đã dồn đuổi và trừng phạt đứa trẻ một cách hung bạo.
B. Đứa trẻ sống trong cảnh nghèo đói, khổ sở cùng kiệt đến mức sẵn sàng chấp nhận nỗi đau thân xác để đổi lấy miếng ăn.
C. Đứa trẻ bồng bột, nông nổi, chỉ vì tham ăn mà có hành vi xấu dù được sống trong hoàn cảnh sung túc.
D. Tình trạng đói nghèo đã khiến cho con người sống trong xã hội Việt Nam trước năm 1945 trở nên tàn ác, đánh mất tình thương đồng loại.

đánh giá năng lực 2022 môn văn

Đề 2:

Câu 1. Chọn từ đúng dưới đây để điền vào chỗ trống: “Trăng quầng thì hạn, trăng… thì mưa.”
A. tỏ
B. sáng
C. mờ
D. tán

Câu 2. Truyện cổ tích Tấm Cám thể hiện nhiều mối quan hệ. Câu nào bên dưới đây không thể hiện mối quan hệ chính?
A. Mối quan hệ giữa mẹ ghẻ và con chồng.
B. Mối quan hệ giữa chị và em trong gia đình.
C. Mối quan hệ giữa thiện và ác.
D. Mối quan hệ giữa nhà vua và dân chúng.

Câu 3. “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên/ Xanh kia thăm thẳm từng
trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.” (Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)
Đoạn thơ được viết theo thể thơ:
A. Lục bát.
B. Ngũ ngôn.
C. Song thất lục bát.
D. Tự do.

Câu 4. “Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay sang láng giềng.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
A. Bông liễu.
B. Nách tường.
C. Láng giềng.
D. Oanh vàng.

Câu 5. Điền vào chỗ trống trong câu thơ: “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng… ở trong
lòng.” (Tống biệt hành – Thâm Tâm)
A. khóc
B. gió
C. sóng
D. hát

Câu 6. “Anh dắt em qua cầu/ Cởi áo đưa cho nhau/ Nhớ về nhà dối mẹ/ Gió bay rồi còn đâu.”
(Làng quan họ, Nguyễn Phan Hách).
Đoạn thơ trên thuộc dòng thơ:
A. dân gian.
B. trung đại.
C. thơ Mới.
D. thơ hiện đại.

Câu 7. Qua tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã thể hiện rõ điều nào dưới đây?
A. Sức sống tiềm tàng của những con người Tây Bắc
B. Vẻ đẹp của thiên nhiên Nam Bộ
C. Vẻ đẹp tâm hồn của người Nam Bộ
D. Lòng yêu nước của những con người làng Xô Man

Câu 8. Chọn từ viết đúng chính tả trong các từ sau:
A. Chất phát.
B. Trau chuốc.
C. Bàng hoàng.
D. Lãng mạng.

Câu 9. Chọn từ viết đúng chính tả để điền vào chỗ trống trong câu sau: “Anh tôi là một người…”
A. Chính trực, thẳn thắng.
B. Trính trực, thẳn thắng.
C. Trính trực, thẳng thắn.
D. Chính trực, thẳng thắn.

Câu 10. Từ nào bị sử dụng sai trong câu sau: “Mặc cho bom rơi đạn lạc, người chiến sĩ vẫn ngang nhiên cầm súng xông ra chiến trường.”
A. xông ra.
B. người chiến sĩ.
C. ngang nhiên.
D. đạn lạc.

Câu 11. Các từ nhỏ mọn, xe cộ, chợ búa, chùa chiền, muông thú là:
A. từ ghép dựa trên 2 từ tố có nghĩa giống nhau.
B. từ ghép dựa trên 2 từ tố có nghĩa khác nhau.
C. từ láy toàn thể.
D. từ láy bộ phận.

Câu 12. “Nhìn chung, Nguyễn Tuân là một người lắm tài mà cũng nhiều tật (1). Ngay những độc giả hâm mộ anh cũng cứ thấy lắm lúc vướng mắc khó chịu (2). Nhưng để bù lại,Nguyễn Tuân lại muốn dựa vào cái duyên khá mặn mà của mình chăng? (3). Cái duyên “tài tử” rất trẻ, rất vui, với những cách ăn nói suy nghĩ vừa tài hoa vừa độc đáo, vừa hóm hỉnh nghịch ngợm làm cho người đọc phải bật cười mà thể tất cho những cái “khó chịu” gai góc của phong cách anh” (4).(Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút kí chống Mĩ, Nguyễn Đăng Mạnh)
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “tài tử” trong câu 4 có nghĩa là:
A. một thể loại âm nhạc của Nam Bộ.
B. tư chất nghệ sĩ.
C. sự không chuyên, thiếu cố gắng.
D. diễn viên điện ảnh nổi tiếng.

Câu 13. “Rõ ràng là bằng mắt phải anh vẫn thấy hiện lên một cánh chim én chao đi chao lại. Mùa xuân đã đến rồi.” (Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Nguyễn Trung Thành)
Nhận xét về phép liên kết của hai câu văn trên.
A. Hai câu trên sử dụng phép liên tưởng.
B. Hai câu trên không sử dụng phép liên kết.
C. Hai câu trên sử dụng phép liên kết đối.
D. Hai câu trên sử dụng phép liên kết lặp.

Câu 14. “Nhân dịp ông đi công tác ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để chuẩn bị cho việc xây dựng
một số tuyến đường giao thông theo dự án.” Đây là câu:
A. thiếu chủ ngữ.
B. thiếu vị ngữ.
C. thiếu chủ ngữ và vị ngữ.
D. sai logic.

Câu 15. Trong các câu sau:
I. Trong ba ngày, lượng mưa kéo dài gây ra hiện tượng ngập úng ở nhiều khu vực.
II. Chí Phèo là hình tượng điển hình cho người nông dân bị tha hóa do nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm cùng tên.
III. Ông lão nhìn con chó, đuôi vẫy lia lịa.
IV. Tối hôm ấy, theo đúng hẹn, tôi đến nhà anh ấy chơi.
Những câu nào mắc lỗi?
A. I và II.
B. III và IV.
C. I và III.
D. II và IV.
Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu từ 16 đến 20
“Bạn cũ ngồi than thở, nói ghét Sài Gòn lắm, chán Sài Gòn lắm, trời ơi, thèm ngồi giữa rơm rạ
quê nhà lắm, nhớ Bé Năm Bé Chín lắm. Lần nào gặp nhau thì cũng nói nội dung đó, có lúc người
nghe bực quá bèn hỏi vặt vẹo, nhớ sao không về. Bạn tròn mắt, về sao được, con cái học hành ở đây,
công việc ở đây, miếng ăn ở đây.
Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng
thừng tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô. Cô nàng mù quáng chỉ thản nhiên mỉm cười, lo toan nấu nướng cho bữa chiều, bữa tối.Bằng cách đó, thành phố yêu anh. Phố cũng không cần anh đáp lại tình yêu, không cần tìm cách xóa sạch đi quá khứ, bởi cũng chẳng cách nào người ta quên bỏ được thời thơ ấu, mối tình đầu. Của rạ của rơm, của khói đốt đồng, vườn cau, rặng bần… bên mé rạch. Lũ cá rúc vào những cái vũng nước quánh đi dưới nắng. Bầy chim trao trảo lao xao kêu quanh quầy chuối chín cây. Ai đó cất tiếng gọi trẻ con về bữa cơm chiều, chén đũa khua trong cái mùi thơm quặn của nồi kho quẹt. Xao động đến từng chi tiết nhỏ”.

(Trích Yêu người ngóng núi, Nguyễn Ngọc Tư)

Câu 16. Phong cách ngôn ngữ của văn bản là:
A. Sinh hoạt.
B. Chính luận.
C. Nghệ thuật.
D. Báo chí.

Câu 17. Từ “quạu đeo” ở dòng thứ 2 trong đoạn văn thứ 2 có nghĩa là:
A. bi lụy.
B. hạnh phúc.
C. cau có.
D. vô cảm.

Câu 18. Phương thức biểu đạt chủ yếu của những câu văn: “Lũ cá rúc vào những cái vũng nước quánh đi dưới nắng. Bầy chim trao trảo lao xao kêu quanh quầy chuối chín cây…” là:
A. tự sự.
B. thuyết minh.
C. nghị luận.
D. miêu tả.

Câu 19. Trong đoạn văn thứ 3, “mối tình đầu” của “anh” là:
A. thành phố.
B. thị trấn trong sương.
C. vùng rơm rạ thanh bình, hồn hậu.
D. làng chài ven biển.

Câu 20. Chủ đề chính của đoạn văn là:
A. Nỗi nhớ quê của kẻ tha hương.
B. Sự cưu mang của mảnh đất Sài Gòn.
C. Niềm chán ghét khi phải tha phương cầu thực của người xa quê.
D. Người chồng bạc bẽo.

đánh giá năng lực 2022 môn văn

Xem thêm:

Tổng hợp 10 bộ đề thi mẫu kì thi đánh giá năng lực 2022 môn toán

Tổng hợp bộ đề thi mẫu kì thi đánh giá năng lực 2022 môn Khoa học TN-XH

Tổng hợp những bộ đề thi mẫu kì thi đánh giá năng lực 2022 môn Tiếng Anh

Tóm lại, kỳ thi đánh giá năng lực là một hình thức thi tương đối mới so với các bạn thí sinh, khi tham gia kỳ thi này thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để ghi danh vào các trường đại học mà bản thân mong muốn. Và bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các kiến thức về cấu trúc và đề thi ngữ văn mới nhất 2022 cho bạn tham khảo. Chúc bạn ôn luyện và có một kỳ thi thật tốt nha!

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan