Mỗi môn học đều có những đặc trưng riêng, đòi hỏi người học phải có một phương pháp và lộ trình học tập cụ thể. Vậy đâu là cách học địa lý hiệu quả? Học địa lý có vai trò và tầm quan trọng như thế nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tham khảo 10 cách học địa lý hiệu quả nhất mà bạn có thể vận dụng ngay lập tức. Hãy cùng Bamboo tìm hiểu nhé!
Những lý do khiến môn địa lý khó học
Không phải môn học nào cũng đều dễ học và có thể tạo được hứng thú cho học sinh. Đối với những môn học Khoa học xã hội như: Lịch sử, Địa lý,… thì vẫn có rất nhiều học sinh chưa thể đạt kết quả cao trong học tập. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc học sinh cảm thấy chán nản và học yếu môn địa lý có thể kể đến là:
- Chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học môn địa lý
- Tâm lý chủ quan, xem nhẹ các môn học phụ, đặc biệt là môn Khoa học xã hội
- Học lệch, chỉ tập trung vào những môn học chính: Toán, Văn, tiếng Anh
- Chưa biết cách vận dụng kiến thức đã được học và thực tiễn, khiến cho việc ghi nhớ bài học trở nên khó khăn
- Chưa tìm ra phương pháp học tập phù hợp và hiệu quả. Nhiều học sinh còn có tâm lý học vẹt, học để đối phó với giáo viên,… dẫn đến việc người học thường xuyên cảm thấy chán nản, không có động lực để học môn địa lý
- Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy trên lớp của giáo viên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và chất lượng học tập của học sinh. Nhiều thầy cô vẫn còn áp dụng phương pháp dạy học truyền thống là đọc – chép, chỉ giảng về lý thuyết mà không kết hợp với kiến thức thực tế, khiến cho môn học trở nên khô khan và nhàm chán
Vai trò của môn địa lý
Bất kỳ môn học nào cũng có những ưu điểm và tầm quan trọng nhất định. Địa lý cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi tìm hiểu những cách học địa lý hiệu quả, bạn cần hiểu được vai trò mà môn học này mang lại. Học địa lý giúp ta tìm hiểu, nắm được những kiến thức quan trọng về thế giới tự nhiên, như: Địa hình, đất đai, khí hậu, sông ngòi, dân số, nền kinh tế của một quốc gia, đặc điểm của từng khu vực trên đất nước Việt Nam,… Địa lý giúp ta hình thành một cái nhìn tổng quát, từ đó đánh giá và phân tích các đặc điểm của tự nhiên.
Kiến thức của môn địa lý không chỉ gói gọn trong sách vở mà còn có tính ứng dụng cao trong đời sống thực tiễn. Nắm vững kiến thức môn học này, bạn có thể hiểu được các đặc điểm và hiện tượng tự nhiên, vận dụng những điều đã được học vào thực tế cũng như các môn học khác.
Một điểm khác biệt nữa của môn học này đó chính là sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Khi học địa lý, người học không nhất thiết học thuộc toàn bộ kiến thức trong sách vở mà còn phải có sự tư duy, nhạy bén với số liệu, biết phương pháp tính toán và áp dụng những công thức phù hợp để cho ra kết quả cuối cùng.
Như vậy, có thể thấy được rằng, học địa lý không chỉ giúp ta tăng khả năng ghi nhớ kiến thức, mà còn giúp người học rèn luyện khả năng logic, tư duy nhạy bén. Chỉ khi hiểu rõ tầm quan trọng của việc học địa lý thì bạn mới có thể vạch ra những cách học địa lý hiệu quả và phù hợp với bản thân.
Các cách học địa lý hiệu quả
Để học tốt địa lý không phải chỉ trong ngày một ngày hai, mà nó đòi hỏi quá trình người học phải tích lũy kiến thức trong một thời gian dài. Sau đây là 10 cách học địa lý hiệu quả và phù hợp nhất mà bạn có thể áp dụng:
Xem qua trước khi học và xem lại sau khi học
Đối với bất kỳ môn học nào, bạn cũng cần phải ôn tập bài cũ và chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Học địa lý cũng tương tự như vậy. Để nắm vững kiến thức đã được giảng dạy ở trên lớp, bạn có thể trả lời các câu hỏi ở cuối mỗi bài học, làm thêm bài tập có cấp độ từ dễ đến khó trong sách bài tập hoặc tập bản đồ. Sau đó, bạn có thể tranh thủ từ 15 – 20 phút để đọc bài mới, tìm kiếm tài liệu, thông tin trên Internet để hiểu rõ nội dung bài học hơn.
Đây là một cách học địa lý hiệu quả mà bạn nên vận dụng, vì nó sẽ giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ cũng như dễ tiếp thu kiến thức ở trên lớp.
Áp dụng mindmap
Sử dụng mindmap, hay sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp học tập phổ biến nhất, vì nó có thể áp dụng đối với tất cả các môn học. Khi sử dụng mindmap đối với môn địa lý, trước hết bạn cần vạch ra những ý chính, nội dung trọng tâm của bài học, sau đó mới vẽ sơ đồ. Bạn có thể sử dụng sơ đồ hình khối hoặc sơ đồ cây để hệ thống hóa thông tin một cách khoa học và logic. Đối với những từ khóa, số liệu cần được nhấn mạnh, bạn có thể sử dụng bút màu, hoặc gạch chân, bôi đậm từ khóa đó.
Học nhóm cùng bạn bè
Học nhóm cũng là một trong những cách học địa lý hiệu quả nhất hiện nay và được nhiều bạn trẻ áp dụng. Sở dĩ cách học này rất phổ biến là bởi vì khi học nhóm cùng bạn bè, bạn có thể thảo luận, trao đổi thắc mắc của mình với những học sinh khác. Học theo nhóm sẽ tạo một bầu không khí tranh luận và sôi nổi. Khi người học có những vấn đề còn thắc mắc, chưa được giải quyết thì có thể dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè.
Học nhóm còn có thể giúp học sinh trau dồi và phát huy khả năng teamwork, cũng như rèn luyện tinh thần tự học. Thay vì chỉ nghe giảng một cách khô khan như ở trên lớp thì bạn có thể thoải mái bàn luận, trao đổi với nhóm bạn của mình. Điều này sẽ giúp việc ghi nhớ kiến thức trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Thuyết trình cho mọi người
Ngoài những phương pháp trên, bạn cũng có thể áp dụng một cách học khác cũng mang lại hiệu quả cao, đó là thuyết trình trước mọi người. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng cách học này có thể giúp bạn trau dồi và phát huy kỹ năng toàn diện. Khi phải thuyết trình trước đám đông, bạn không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc thuyết trình còn giúp bạn trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, khả năng giải quyết vấn đề và ứng xử trước mọi tình huống. Thông qua các buổi tranh luận, bạn còn có thể rèn luyện khả năng tư duy nhạy bén và phản biện trước đám đông.
Sử dụng Atlat
Atlat địa lý Việt Nam được sử dụng ở cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Nội dung của Atlat trình bày chi tiết về đặc điểm của từng vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, như: Đất đai, khí hậu, thời tiết, dân số,… Có những kiến thức dù không có trong sách vở nhưng lại được đề cập cụ thể trong Atlat. Khi học địa lý, bạn không chỉ cần nắm vững lý thuyết mà còn phải biết kết hợp với việc đọc Atlat.
Sử dụng Atlat là một trong những cách học địa lý hiệu quả mà bất kỳ ai cũng cần áp dụng. Khi đã đọc hiểu những ký tự, số liệu,… trong Atlat thì bạn sẽ có được tư duy nhạy bén và logic đối với các con số. Sử dụng Atlat không chỉ giúp bạn ghi nhớ kiến thức lâu hơn, mà đây còn là một kỹ năng cơ bản và bắt buộc đối với những ai đang học môn địa lý.
Liên hệ bài học đến thực tế
Kiến thức nếu chỉ nằm trong sách vở mà không thể vận dụng vào thực tế thì chỉ là lý thuyết suông. Học cần phải đi đôi với hành thì mới có thể đạt được kết quả cao trong học tập. Đặc trưng của môn địa lý đó là có tính vận dụng và thực tiễn cao. Nếu bạn biết liên hệ, áp dụng những kiến thức đã được học trên lớp vào đời sống hằng ngày thì việc ghi nhớ kiến thức sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều, môn địa lý cũng không còn là một môn khô khan và nhàm chán nữa.
Đọc hiểu những biểu đồ, chỉ số
Khác với những môn học Khoa học xã hội khác, môn địa lý có rất nhiều số liệu, ký tự và biểu đồ. Do đó, trong quá trình học tập, bạn phải tập cho mình thói quen và kỹ năng đọc hiểu biểu đồ, chỉ số,… Từ những thông tin đã có sẵn, bạn phải tập phân tích ý nghĩa và nội dung mà biểu đồ, số liệu biểu thị.
Để việc học trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu với những biểu đồ cơ bản, như biểu đồ hình tròn, biểu đồ hình chữ nhật. Sau đó, hãy quan sát kỹ thông tin để chú thích, đánh giá các số liệu trong bài học, rồi đưa ra nhận xét, cái nhìn tổng quan về nội dung được thể hiện qua mỗi chỉ số.
Đọc và hiểu chứ không nên học vẹt
Nhiều người cho rằng, đối với các môn Khoa học xã hội thì chỉ cần học thuộc, học vẹt là đủ. Đây là một quan niệm sai lầm. Bởi nếu bạn chỉ học thuộc một cách máy móc mà không thực sự hiểu được nội dung trọng tâm của bài học thì việc ghi nhớ kiến thức chỉ có tính tạm thời. Sau một thời gian không ôn tập lại bài học thì bạn sẽ nhanh chóng quên mất kiến thức đã được dạy.
Chỉ khi thực sự hiểu rõ bản chất vấn đề, đọc và hiểu được kiến thức địa lý thì lúc đó, bạn mới có thể học tốt môn học này. Phương pháp đọc hiểu cũng là một cách học địa lý hiệu quả mà bạn nên tham khảo.
Trải nghiệm thực tế
Lồng ghép các buổi thực hành, trải nghiệm thực tế vào các buổi học cũng là một cách học địa lý hiệu quả và rất thú vị, có thể kích thích sự hứng thú và động lực của học sinh đối với các môn học. Giáo viên có thể thử áp dụng phương pháp này vào chương trình giảng dạy ở trên lớp. Như đã nói ở trên, địa lý là một môn học có tính vận dụng và thực tiễn cao. Chính vì vậy, nếu tách rời lý thuyết trong sách vở và trải nghiệm thực tế thì sẽ không thể mang lại hiệu quả cao trong học tập.
Đối với phương pháp này, ta có thể áp dụng một cách như sau: Sau khi kết thúc bài học, giáo viên có thể giao bài tập thực hành cho học sinh, đó là tìm hiểu những đặc điểm tự nhiên tại địa phương mình đang sinh sống. Sau đó, học sinh làm bản báo cáo/thu hoạch để nộp lại cho giáo viên bộ môn. Phương pháp này sẽ rèn luyện cho người học tinh thần tự giác, ham học hỏi và kích thích tư duy cho người học.
Tham gia hội nhóm về địa lý trên mạng xã hội
Một cách học địa lý hiệu quả mà bạn cũng có thể dễ dàng áp dụng, đó là tham gia các hội nhóm học tập trên mạng xã hội, như Facebook, Instagram,… Với sự phổ biến rộng rãi của Internet, mạng xã hội thực sự là nơi giúp ta có thể học hỏi kiến thức, kỹ năng về bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống. Bạn có thể tham gia các cộng đồng học tốt môn địa lý, group luyện thi, hoặc theo dõi những fanpage chia sẻ kiến thức về môn học này,…
Bên cạnh đó, mạng xã hội có tính tương tác rất lớn. Do đó, bạn có thể dễ dàng thảo luận, trao đổi bài học, tìm kiếm những người có chuyên môn cao để giải đáp thắc mắc về môn học,… Bạn cũng có cơ hội nhận được các tài liệu học tập chuyên sâu, hoặc có thể đăng ký các khóa học trên mạng xã hội sao cho phù hợp với bản thân,…
Xem thêm:
- Các cách học giỏi hóa hiệu quả, nhanh nhất cho người mất gốc
- 7 cách học sử hiệu quả nhanh chóng cho học sinh
- 9 Cách học văn hiệu quả, nhanh thuộc, nhớ lâu, không buồn ngủ
Trên đây là 10 cách học địa lý hiệu quả và phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Mỗi cách học sẽ mang lại những hiệu quả nhất định. Nếu biết cách vận dụng và kết hợp linh hoạt các phương pháp với nhau thì sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao trong học tập.