.
.
.

Bộ đề cương ôn tập học kỳ 2 môn ngữ văn 9 học kỳ 2

Bộ đề cương ôn tập học kỳ 2 môn ngữ văn 9 chi tiết nhất

Đề cương ôn thi cuối kì 2 môn Ngữ Văn 9 là một tài liệu vô cùng quan trọng giúp cho các bạn học sinh có thể ôn tập tốt cho kì thi học kì 2 sắp tới. Đề cương ôn thi HK2 Ngữ văn 9 – THCS  được biên soạn rất chi tiết và cụ thể với những dạng bài, lý thuyết, cấu trúc đề thi được trình bày một cách khoa học nhất .Bài viết sau đây Bamboo sẽ tổng hợp cho các bạn bộ đề cương ôn tập học kỳ 2 môn ngữ văn 9. Click vào xem ngay!

Đề cương ôn tập học kỳ 2 môn ngữ văn 9 học kỳ 2 phần văn bản

Con cò – Chế Lan Viên

Tác giả: 

Chế Lan Viên (1920-1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ – Quảng Trị. Trước Cách mạng tháng Tám Chế Lan Viên đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới qua tập Điêu tàn. Chế Lan Viên đã có những đóng góp lớn vào những thành tựu của văn học kháng chiến, ông là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỷ XX.

Nội dung

Bài thơ ca ngợi về tình mẹ và nêu lên ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người.

Nghệ thuật

Vận dụng hình ảnh sáng tạo với  giọng điệu ca dao,kết hợp với một  giọng thơ thiết tha, trìu mến. Có những câu thơ đúc kết được những ý nghĩa sâu sắc, đáng để suy ngẫm.

Con cò – Chế Lan Viên

Tác phẩm Con Cò-Chế Lan Viên

Viếng Lăng Bác – Viễn Phương

Tác giả: Viễn Phương (1928 – 2005), tên khai sinh của ông là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông hoạt động ở vùng Nam Bộ. Ông là một trong những cây bút tiên phong của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thường nhẹ nhàng, giàu tình cảm, giàu tinh thần mộng mơ ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.

Nội dung: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ trong một lần từ Miền Nam ra viếng thăm lăng Bác.

Nghệ thuật: Với giọng điệu trang trọng và tha thiết; nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi liên tưởng, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc, sử dụng nhiều điệp từ, điệp ngữ.

Viếng Lăng Bác – Viễn Phương

Tác phẩm Viếng Lăng Bác – Viễn Phương

Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Tác giả : Thanh Hải (1930-1980), quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông hoạt động văn nghệ ở những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thanh Hải đã ở lại quê hương của mình hoạt động và ông là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu tiên.

Nội dung:

Bài thơ nói lên tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được một lòng cống hiến cho đất nước,                                       góp một mùa xuân nho nhỏ của bản thân mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Nghệ thuật:

  • Bài thơ với nhịp điệu trong sáng thiết tha, hình ảnh thơ gợi cảm,tứ thơ sáng tạo tự nhiên
  • Nghệ thuật so sánh sáng tạo.
Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải

Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Sang thu – Hữu Thỉnh

Tác giả: Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông đã từng nhập ngũ, vào binh chủng Tăng – Thiết giáp sau đó trở thành cán bộ văn hoá tuyên truyền của quân đội. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh được bầu cử làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Hữu Thỉnh rất gắn bó với cuộc sống nông thôn. Ông có nhiều bài thơ hay về con người và cuộc sống nông thôn.

Nội dung: Bài thơ là cảm nhận tinh tế của tác giả về sự biến đổi nhẹ nhàng của thiên nhiên khi vào mùa thu.

Nghệ thuật:

  • Gợi tả hình ảnh bằng nhiều cảm giác.
  • Giọng thơ nhẹ nhàng mà lắng đọng.

Nói với con – Y Phương

Tác giả: Y Phương là một nhà thơ người dân tộc Tày. Ông sinh năm 1948, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Y Phương từng có thời gian hoạt động trong quân ngũ từ 1968 – 1981. Từ năm 1993, Y Phương là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Hiện ông đang sinh sống tại Hà Nội.

Nội dung: Qua cuộc trò chuyện với con, tác giả nói lên sự gắn bó, niềm tự hào với quê hương và đạo lý sống của dân tộc.

Nghệ thuật: 

  • Giọng điệu tha thiết.
  • Ngôn ngữ giàu hình ảnh: vừa gần gũi bình dị, vừa có sức khái quát cao. 
Nói với con – Y Phương

Tác phẩm Nói với con – Y Phương

Bến quê – Nguyễn Minh Châu

Tác giả: Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) quê ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. là nhà văn Quân đội, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nội dung:

Bài thơ bộc lộ sự trân trọng về những giá trị và vẻ đẹp bình dị, gần gũi của cuộc sống của quê hương,qua những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật Nhĩ ở những giây phút cuối đời trên giường bệnh.

Nghệ thuật:

Với sự miêu tả tâm lý vô cùng tinh tế, bài thơ lồng ghép nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách xây dựng tình huống thông minh, trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật.

Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê

Tác giả: Lê Minh Khuê (sinh năm 1946), quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông gia nhập đội thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70. Bà chuyên về truyện ngắn, truyện của Lê Minh Khuê thường viết về cuộc sống chiến đầu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

Nội dung:

Truyện đã khắc họa lên cuộc sống chiến đấu của ba cô gái thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Truyện làm nổi bật tâm hồn trong sáng và mơ mộng, một tinh thần dũng cảm và đầy lạc quan trong cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh này.

Nghệ thuật:

Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính trong bài, với lối kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động và thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật

Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê

Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê

Đề cương ôn tập học kỳ 2 môn ngữ văn 9 học kỳ 2 phần văn bản phần tiếng Việt

Khởi ngữ

Cách nhận diện:

  • Là thành câu đứng trước chủ ngữ của câu để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
  • Trước khởi ngữ thường là các từ như: đối với, về,..

Công dụng: Nói lên đề tài được nói đến trong câu

Ví dụ:

  • Về việc mà bạn đã làm, tôi đã biết tất cả rồi.
  • Đối với các bạn học sinh giỏi, vượt khó nhà trường sẽ có một buổi tuyên dương và trao thưởng.

Các thành phần biệt lập

Thành phần biệt lập là những thành phần không tham gia vào việc diễn đạt sự việc trong câu.

Để nhận biết các thành phần biệt lập trong một câu, các bạn hãy chú ý đến những dấu hiệu sau:

Thành phần tình thái: Thường dựa trên thái độ, cảm xúc và cách nhìn nhận vấn đề của người nói trong câu.

Thành phần cảm thán: Dựa trên tâm lý và thái độ của người nói.

Thành phần phụ chú: Được nhận biết thông qua các dấu câu, giúp bổ sung các thông tin cho câu nói, có thể bỏ đi mà vẫn không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu.

Thành phần gọi đáp: Dựa trên các mối quan hệ giao tiếp trong câu.

Ví dụ: Thưa ông chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm mới lên đến đây, vất vả quá!

Nghĩa tường minh và hàm ý

Tường minh: Là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp thông qua từ ngữ. 

Hàm ý: Là phần thông báo không diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng sẽ được suy ra từ từ ngữ, khái niệm trong câu đó.

Ví dụ:

  • Trời sắp mưa rồi đấy!
  • Ra cất quần áo vào đi.
  • Mang theo áo mưa  đi.

Đừng đi ra ngoài nữa…. tuỳ vào tình huống mà có thể hiểu câu nói đó có hàm ý khác nhau?

Các phương châm hội thoại

 Có 5 phương châm hội thoại chính:

  • Phương châm về lượng: khi giao tiếp nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không được thiếu hay thừa.
  • Phương châm về chất: khi giao tiếp, đừng nói những điều mà bản thân không tin là đúng hoặc không có bằng chứng xác thực cho vấn đề đó.
  • Phương châm quan hệ: khi giao tiếp, cần nói đúng đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.
  • Phương châm cách thức: khi giao tiếp, cần nói mạch lạc, ngắn gọn, tránh cách nói mơ hồ.
  • Phương châm lịch sự: khi giao tiếp cần nói chuyện tế nhị và thể hiện sự tôn trọng người khác.

Xưng hô trong hội thoại

Là các từ ngữ dùng để xưng hô trong giao tiếp như: tôi, mình, cậu, tớ, anh, chị, chúng tôi, bọn mày, bọn tao,..

Ví dụ: Chúng ta là một tập thể, chúng ta cần phải đoàn kết.

Xưng hô trong hội thoại

Cách dẫn trực tiếp và gián tiếp

  • Cách dẫn trực tiếp là việc nhắc lại nguyên văn lời nói hay một ý nghĩ của người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

Ví dụ: Hoạ sĩ nghĩ thầm: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”. (Nguyễn Thành Long)

  • Cách dẫn gián tiếp là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hay một nhân vật, có điều chỉnh lại sao cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không cần đặt trong dấu ngoặc kép.

Ví dụ: Thầy giáo dặn chúng tôi về ôn bài, mai có giờ kiểm ưa.

Sự phát triển của từ vựng

Là sự thay đổi của từ vựng, nghĩa của từ không phải là không thay đổi. Nó vẫn có thể thay đổi theo thời gian. Có những nghĩa cũ mất đi và có những nghĩa mới được hình thành.

Thuật ngữ

  • Thuật ngữ thường được sử dụng trong rất ít trường hợp
  • Mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị cho 1 khái niệm duy nhất và mỗi khái niệm chỉ diễn tả cho riêng 1 thuật ngữ.
  • Các thuật ngữ không bị thay đổi ở bất cứ ngôn ngữ nào, có nghĩa là thuật ngữ mang tính quốc tế.
  •  Không như các từ ngữ khác, thuật ngữ không mang sắc thái biểu cảm.

 Ví dụ:

Axit là các hợp chất hóa học có thể hòa tan trong được nước.

=> Axit thuật ngữ môn Hóa học.

Trau dồi vốn từ

Từ ngữ có vai trò rất quan trọng trong việc giao tiếp. Vì vậy việc trang bị cho bản thân một vốn từ vựng sâu rộng là điều vô cùng cần thiết. Bạn hãy thường xuyên đọc sách để bổ sung cho bản thân vốn từ vựng thân,nó sẽ giúp cho việc giao tiếp của bạn trở nên tốt hơn.

Tổng kết từ vựng:

Từ đơn và từ phức.

  • Từ đơn: Là từ chỉ có 1 tiếng
  • Từ phức: Là từ có 2 tiếng trở lên

Trong từ phức gồm có 2 loại từ:

  • Từ láy: Là các tiếng có quan hệ láy âm của nhau (láy âm đầu hoặc vần, hoặc cả toàn bộ tiếng).
  • Từ ghép: Là các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.

Từ đơn và từ phức.

Thành ngữ.

Thành ngữ là tập hợp từ ngữ cố định,được dùng khá quen thuộc, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ thường mang nghĩa bóng chứ không phải là nghĩa của các yếu tố tạo ra cộng lại.

Ví dụ: Các thành ngữ: đánh trống bỏ dùi, được voi đòi tiên, nước mắt cá sấu.

Từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa;

Từ đồng âm: Là những từ có phát âm  giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không có liên quan đến gì nhau.

Ví dụ: đường (đi) với đường (ăn).

  • Từ đồng nghĩa là các từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau (trong một số trường hợp nhất định chúng có thể thay thế nhau).
  • Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau.

Trường từ vựng;

Trường từ vựng là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng có sự liên kết với nhau theo một tiêu chí nhất định nào đó, các trường từ vựng được hình thành dựa trên mối quan hệ về nghĩa một cách đa chiều.

Khái niệm từ tượng hình, từ tượng thanh;

  • Từ tượng thanh: là những từ ngữ dùng để diễn tả theo âm thanh phát ra trong tự nhiên hoặc âm thanh của con người. 
  • Từ tượng hình: là các từ gợi tả, mô phỏng lại hình dáng, trạng thái của sự vật.

So sánh:

  • Tác dụng: giúp làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật sự việc, khiến cho câu văn thêm phần sinh động, gây hứng thú cho người đọc.
  • Dấu hiệu nhận biết: Các từ ngữ so sánh: như, là,..

Nhân hóa:

  • Tác dụng: Làm cho sự vật, đồ vật, cây cối trở nên sinh động và thu hút gần gũi hơn.
  • Dấu hiệu nhận biết: Các từ chỉ hoạt động, tên gọi của con người: ngửi, chơi, anh, chị,…

Ẩn dụ:

  • Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật, sự việc đang nói đến
  • Dấu hiệu nhận biết: Các sự vật dùng để ẩn dụ thường có nét tương đồng với nhau

 Hoán dụ:

  • Tác dụng: giúp làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho vấn đề đang diễn đạt.
  • Dấu hiệu nhận biết: các từ sự vật, sự việc được gọi gọi tên bởi các từ sự vật, sự việc khác.

 Nói quá:

  • Tác dụng: Giúp nhấn mạnh cho hiện tượng, sự vật miêu tả được, gây nên ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
  • Dấu hiệu nhận biết: Những từ ngữ cường điệu, khoa trương, phóng đại sự việc so với thực tế.

Nói giảm nói tránh:

  • Tác dụng: Tránh gây cảm giác đau thương, ghê sợ nặng nề, tránh đi sự thô tục, thiếu lịch sự.
  • Dấu hiệu nhận biết: Các từ ngữ sẽ được diễn đạt một cách tế nhị,tinh tế tránh nghĩa thông thường của nó

Điệp từ, điệp ngữ:

  • Tác dụng: Làm tăng cường hiệu quả diễn đạt như việc  nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi sự liên tưởng, cảm xúc, vần điệu cho câu thơ, câu văn.
  • Dấu hiệu nhận biết: Các từ ngữ  thường được lặp lại nhiều lần trong đoạn văn, thơ.

Chơi chữ:

Tác dụng: Tạo sắc thái dí dỏm, hài hước, làm câu văn hấp dẫn, thú vị và sinh động hơn.

Tập làm văn

Lý thuyết

Phần làm văn sẽ có 2 dạng:

  • Văn bản thuyết minh là sự kết hợp giữa thuyết minh với miêu tả, lập luận và một số biện pháp nghệ thuật để làm cho bài văn sinh động hơn.
  •  Văn bản tự sự: là sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả và đối thoại, độc thoại nội tâm trong tự sự; người kể và ngôi kể trong văn bản tự sự.

Một số dạng đề thực hành tiêu biểu

Đề 1:

Tình cảm chân thành và tha thiết của nhân dân ta với Bác Hồ được thể hiện qua bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương.

 Đề 2:

Những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu qua bài thơ “Sang thu”.

Một số đề ôn ngữ văn có hướng dẫn cách làm

Một số đề ôn ngữ văn có hướng dẫn cách làm

Đề 1:

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:

Một cô giáo trường công đã giúp tôi hiểu rõ cái ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

Khi nhìn cách tôi cầm sách trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô đã nhận thấy có gì không bình thường; cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô, không phải kiểu làm việc thiện mà như với một người bạn. Thật ra, tôi ngạc nhiên về hành động đó đến nỗi không nhận biết được chuyện gì đã xảy ra, cho tới một ngày kia cô đưa cho tôi một cặp kính.

“Em không thể nhận được. Em không có tiền trả đâu”, tôi nói, cảm thấy xấu hổ vì nhà mình nghèo.

Cô liền kể chuyện cho tôi nghe: “Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời.”

Thế rồi cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa ai từng nói với tôi: “Một ngày nào đó em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho kẻ khác với tấm lòng tận tụy.

(Theo Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản?

Câu 3: Hãy đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 4: Viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng một mặt giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em rút ra từ ngữ liệu trong phần đọc hiểu trên.

ĐÁP ÁN

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Nội dung chính của văn bản: Văn bản kể chuyện 1 cô giáo đã giúp cho nhân vật tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc cho và nhận.

Câu 3. Đặt nhan đề cho văn bản (HS có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau, nhưng yêu cầu nhan đề phải thể hiện được nội dung của văn bản), ví dụ: Cho và nhận, ….

Câu 4:

Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: (cho và nhận…)

Thân bài: Giải thích, trình bày, chứng minh làm rõ vấn đề

Giải thích:

  • Cho là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tấm lòng của một người. Nhận là được đáp trả, được đền ơn.
  • Cho và nhận là mối quan hệ nhân quả, tương trợ, bổ sung cho nhau.

Biểu hiện:

  • Sự chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đau khổ
  • Chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn.
  • Điều nhận lại đôi khi không phải trong phút chốc, hiển hiện ngay trước mắt mà có khi là cả một quá trình.

Ý nghĩa: Cho và nhận là việc làm đáng được ngợi ca với tinh thần: “ một người vì mọi người”

Phê phán: Những kẻ tham lam, ích kỷ, sống tàn nhẫn, chỉ muốn nhận, muốn vay mà không muốn cho, muốn trả; phê phán một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết “cho”…

Bài học: Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Cho đi là điều chúng ta nên làm trong cuộc sống hằng ngày để nhận lại rất nhiều thứ về sau. Mỗi người hãy cho đi nhiều hơn để nhận lại nhiều hơn

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của bức thông điệp của sự cho và nhận, mở rộng nâng cao vấn đề và liên hệ bản thân.

Đề 2:

Câu 1: Đọc 2 đoạn văn và trả lời các câu hỏi từ (a) đến (d).

  1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.
  2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con li chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? (viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ)

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

e/ Từ hai đoạn văn trên, em hãy viết bài văn nghị luận bàn về chủ đề của hai đoạn văn đưa ra .

Câu 2: Tục ngữ có câu: Một sự nhịn, chín sự lành.

Từ lời khuyên dạy của cha ông, em có suy nghĩ gì về “văn hóa nhường nhịn” trong cuộc sống hiện nay. Viết một bài văn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ ấy.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

Sự vô tâm, vô cảm của con người trong cuộc sống

Đoạn văn 1: Tự sự

Đoạn văn 2:

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con ly chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? (viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ)

Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

Phép nối: Nhưng

Phép lặp: cậu (2 lần)

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

  • Cư xử đúng mực với ông bà, cha mẹ
  • Sống có hiếu thuận, kính trên nhường dưới
  • Phải biết chia sẻ, yêu thương, biết phân biệt đúng sai.

e/

  1. Mở bài: Đặt vấn đề: Sự vô tâm của thế hệ gấu bông đã làm giật mình các bậc cha mẹ. Hai hiện tượng mà báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã nêu là khá phổ biến. Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.
  2. Thân bài:

Biểu hiện:

Giải thích nội dung của hai hiện tượng trên nói lên sự vô tâm của thế hệ trẻ đối với những người thân yêu nhất, có công nuôi dưỡng và bảo bọc chúng ta từ khi mới sinh ra – đó là cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, …Hình ảnh một em bé thờ ơ khi mẹ đi nhặt đồ và hồn nhiên nói: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!” cũng như hình ảnh một cậu học sinh rất rành về sở thích của ca sĩ cậu yêu thích mà chẳng biết gì về sở thích, nghề nghiệp, tâm trạng và niềm đau của bố mẹ mình. Điều đó đã tạo nên sự phản cảm mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc.

Nguyên nhân:

  • Giới trẻ thường chỉ quan tâm tới cuộc sống và sở thích của mình, đó là một trong những biểu hiện của thói ích kỉ.
  • Bậc cha mẹ thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con.
  • Nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ.
  • Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, …

Hậu quả:

  • Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
  • Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
  • Những hiện tượng trên là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng.

Cách khắc phục:

  • Chủ quan: bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất.
  • Khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp của lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm.
  • Lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỷ.

3· Kết bài: Hai hiện tượng trên đã đánh thức lương tâm của những người đã từng mắc vào những lỗi lầm tương tự. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ nói riêng và đối với tất cả những người Việt Nam.

Câu 2:

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về sự nhường nhịn

Thân bài:

Giải thích và nêu biểu hiện của sự nhường nhịn:

Sự nhường nhịn là gì?

Nhường nhịn đó là một phẩm chất đáng quý trong cuộc sống, cần nhường nhịn với tất cả mọi người, nghĩa đen của nhường nhịn đó là những đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và có được nó. Mỗi phẩm chất đều phải trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng nó, ở đây nhường nhịn không phải là chấp nhận thua cuộc mà là sự cảm thông đối với đối phương.

Việc nhường nhịn sẽ tạo nên những phẩm chất vô cùng đáng quý và góp phần tạo nên cho mình những điều đáng quý hơn, ngoài những điều đó bản thân mỗi người đều phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của mình, mỗi người là một tấm gương cho việc học tập và tu dưỡng đạo đức, nhường nhịn sẽ tạo nên cho mình một phẩm chất cao quý đó là sự cảm thông thấu hiểu và những hiểu biết chi tiết về bản chất của sự vật và sự việc.

Biểu hiện của người biết sống nhường nhịn:

Người biết nhường nhịn cư xử cao thượng, coi trọng hòa khí, không cố chấp, luôn biết coi trọng chữ “hòa” trong giao tiếp, ứng xử.Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, lời nói, cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua.

Trình bày ý nghĩa của sự nhường nhịn:

  • Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết.
  • Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày.
  • Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: “Mình vì mọi người”.

Lật lại vấn đề:

Những người sống ích kỷ, bon chen, tranh giành quyền lợi trong xã hội.

Bài học nhận thức và hành động:

  • Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác
  • Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.

Kết bài:

Khẳng định lại ý nghĩa của lòng khoan dung. Liên hệ bản thân.

Xem thêm:

Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ và chi tiết các kiến thức ôn luyện ngữ văn lớp 9. Chúc các bạn đạt được điểm cao trong kì thi sắp tới nhé! Cảm ơn các bạn đã xem.

Cha mẹ có thể tham khảo các chương trình đào tạo hiện có tại Bamboo School để chọn cho con môi trường học tập tốt nhất có thể

Facebook
Pinterest

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn và
Đặt lịch tham quan