Nhu cầu thiết yếu của trẻ nhỏ là được vận động và phát triển thể chất. Vì vậy, các bậc cha mẹ, giáo viên cần có những định hướng đúng đắn trong vấn đề này. Cùng Bamboo School tìm hiểu các phương pháp rèn luyện thể chất cho trẻ qua bài viết sau đây!
Tại sao nên sớm rèn luyện thể chất cho trẻ?
Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém cùng cơ thể mềm dẻo nên khả năng chống lại bệnh tật cũng như va chạm chưa cao. Do đó, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ thì rèn luyện thể chất cho trẻ được đánh giá là một quá trình quan trọng để trẻ có sự phát triển toàn diện hơn.
Một số lợi ích của việc sớm rèn luyện thể chất cho các bạn nhỏ gồm:
Rèn thể lực là nền tảng hữu ích để trẻ trau dồi trí lực
Trẻ em cần có đủ thời gian để vận động, thư giãn, giải trí… với những hoạt động thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi cũng như thể trạng. Các trải nghiệm trong nhảy dây, ném bowling, đánh cầu,… giúp trẻ vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có lợi cho sự phát triển trí lực.
Thể lực tốt giúp trẻ phát triển lành mạnh về nhân cách
Nhờ quan sát thái độ của trẻ qua các hoạt động thể chất, giáo viên và phụ huynh có thể phần nào đánh giá được tính cách của trẻ. Từ đó có những nhận định, điều chỉnh, định hướng đúng đắn để giúp trẻ phát triển theo chiều hướng tích cực nhất.
Hình thành thói quen và lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ
Xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ qua việc vận động, rèn luyện thể dục thể thao được đánh giá cao về tính hiệu quả. Trẻ nhỏ sẽ có ý thức sớm về giá trị của quá trình này, tạo dựng được thói quen sinh hoạt lành mạnh có lợi cho sức khỏe.
Bảo vệ bản thân
Qua quá trình rèn luyện thể chất cho trẻ, giúp bé có ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ gây hại. Trong tiềm thức của trẻ, việc vận động sẽ là một thói quen tốt nên được thực hiện thường xuyên.
Hỗ trợ phát triển các kỹ năng cần thiết
Các chuyên gia khẳng định rằng, khi đưa hoạt động thể chất vào giảng dạy, trẻ sẽ được phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho bản thân. Bao gồm khả năng tập trung, tinh thần kỷ luật cùng sự trung thực, tính ham học hỏi…
Khám phá những giai đoạn phát triển thể chất của trẻ
Trẻ nhỏ có những giai đoạn phát triển nhất định về các khía cạnh như thể chất, trí tuệ… Việc áp dụng những biện pháp rèn luyện thể chất cho trẻ ở mỗi giai đoạn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đem lại hiệu quả tích cực nhất.
Theo đó, các chuyên gia đã chia quá trình phát triển về thể chất của trẻ thành các giai đoạn như sau:
- 12 tháng đầu đời: Trẻ dần khám phá thế giới xung quanh bằng các hình thức cơ bản nhất. Bao gồm gặm, nếm, sờ, cầm nắm, ngẩng đầu, ngồi, bò, tập đi…
- Từ 2 đến 4 tuổi: Trẻ đi bộ, chạy nhảy, leo trèo, cầm bút, sử dụng một số công cụ trong sinh hoạt hàng ngày… với sự hỗ trợ, hướng dẫn của người lớn.
- Từ 4 đến 6 tuổi: Leo cầu thang, cầm bút vẽ, tự mặc quần áo, đi giày… mà không cần giúp đỡ.
Phương pháp giúp trẻ rèn luyện thể chất
Tùy vào từng giai đoạn phát triển thể chất của trẻ mà cha mẹ, giáo viên có thể áp dụng những phương pháp rèn luyện thích hợp. Mục tiêu là hướng trẻ đến những yếu tố tích cực nhất của quá trình này, giúp trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, hứng thú hơn.
Khuyến khích trẻ thường xuyên tham gia hoạt động ngoài trời
Trong những năm đầu đời, trẻ cần được khám phá môi trường xung quanh một cách thường xuyên. Lợi ích từ hoạt động này đối với việc rèn luyện thể chất cho trẻ là rất lớn. Nhờ những hoạt động ngoại khóa tập thể này, trẻ có được sự hứng khởi và nhiều trải nghiệm thú vị.
Phụ huynh, giáo viên có thể đưa nhiều trò chơi vào thời gian dã ngoại. Ví dụ như học đếm, học làm toán, học nhận biết các loài hoa trong tự nhiên,… Qua đó, trẻ không chỉ có thêm các thường thức về thế giới mà còn được rèn luyện thể lực một cách vui vẻ.
Cho trẻ tập luyện những bài tập thể dục đơn giản
Các bài tập thể dục đơn giản với những vận động phù hợp với lứa tuổi đem lại những giá trị tích cực cho sức khỏe của trẻ. Thể dục nhịp điệu, tập yoga mầm non, múa hát, các bài thể dục nhẹ nhàng… được các chuyên gia đánh giá cao. Hỗ trợ tốt cho việc phát triển hệ cơ xương, giúp trẻ cân bằng năng lượng hiệu quả.
Không chỉ vậy, thông qua hoạt động thể dục thể thao, trẻ còn học được phương thức để gắn kết với những người xung quanh. Tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp và tính hòa đồng cho trẻ.
Theo đó, hàng ngày trẻ nên được tham gia vận động thể chất khoảng 3 tiếng. Bao gồm 2 tiếng hoạt động theo sự hướng dẫn một cách có bài bản, cấu trúc và mục tiêu rõ ràng. Còn 1 tiếng để trẻ tự do vui chơi, khám phá theo nhu cầu, sở thích của mình.
Kết luận
Trên đây là chia sẻ từ bambooschool.edu.vn về những giá trị của việc rèn luyện thể chất cho trẻ cũng như một số phương pháp hiệu quả trong quá trình này. Hy vọng rằng bài viết sẽ đem lại cho các bậc phụ huynh nhiều thông tin hữu ích! Hãy cho trẻ được phát triển một cách đầy đủ nhất thông qua những phương pháp rèn luyện thể chất cho trẻ phù hợp nhất.